|
CHƯƠNG XXXVII NHỮNG NGUYÊN DO ĐƯA TỚI CUỘC VẬN ĐỘNG CHỐNG CHẾ ĐỘ NGÔ ĐÌNH DIỆM
Cuộc
vận động năm 1963 của Phật giáo Việt Nam không phát xuất
từ sự tranh chấp giữa người Phật giáo và người Công
giáo. Cuộc vận động này chỉ nhằm chống lại chế độ
độc tài của tập đoàn ông Ngô Đình Diệm. Một tập đoàn
đã đi quá đà trong sự sử dụng người đồng bào Công giáo,
nhất là người Công giáo di cư, vào việc củng cố quyền
bính và đàn áp những tổ chức đối lập hoặc độc lập.
Cuộc vận động này của phật tử đã được các giới không
phải phật tử ủng hộ, trong đó có nhiều thành phần công
giáo, linh mục cũng như giáo hữu. Họ đại diện cho đa số
những người Công giáo có lương tri, có óc phê phán công
chính và có thừa can đảm để chống lại những gì đi ngược
lại với tinh thần chân chính của Phúc Âm. Cùng với
đồng bào phật tử của mình, họ đã bị chế độ thẳng
tay đàn áp.
Tài
liệu về cuộc vận động này rất dồi dào, bằng quốc ngữ
cũng như bằng ngoại ngữ. Tài liệu quý báu nhất là chứng
tích của những người trực tiếp tham dự cuộc vận động
và cũng đã từng bị chế độ chèn ép, tù đày hoặc tra
tấn. Riêng về tài liệu thành văn, chúng tôi cố gắng đê
chỉ sử dụng những tài liệu đầu duy nhất, tức là những
tài liệu do Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo ấn hành
trong suốt thời gian vận động và những ghi chép của tác
giả đã có mặt trong cuộc vận động. Phần lớn những công
trình này đã được ấn hành năm 1964, ngay sau khi cuộc vận
động thành công. Trong những tác phẩm đứng đắn nhất,
ta có thể kể:
1.
Phật
Giáo Tranh Đấu của Quốc Oai biên soạn, do nhà Tân Sanh
(số 12 đường Bùi Viện, Sài Gòn) xuất bản ngày 14 tháng
12 năm 1963. Sách dày 174 trang và có mang những dòng ghi chú
sau đây ở trang 8: "Phần lớn những tài liệu in trong
cuốn sách này, chúng tôi đều dựa vào những bản in ronéo
của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo ấn hành". Đây
là một trong những tác phẩm ra đời sớm nhất.
2.
Chín
Năm Máu Lửa Dưới Chế Độ Gia Đình Trị Ngô Đình Diệm
của Nguyệt Đam và Thần Phong biên soạn, do tác giả xuất
bản năm 1964. sách dày 342 trang; ngoài bài tựa của tác giả,
sách còn có mang theo ba bài tựa khác; một của cử nhân Phạm
Văn Hanh, thượng thư tri sĩ, một của ông Vũ Cúc Sơn, tuần
phủ tri sĩ, và một của ông Nguyễn Kinh Lịch hiệu Văn Trai.
Cả ba người này đều đã từng phục vụ trong chính phủ
Nam Triều hồi ông Ngô Đình Diệm còn làm thượng thư tại
triều đình Huế, và đã có những nghe biết trực tiếp về
ông Ngô Đình Diệm.
3.
Sự
Thực Cuộc Đấu Tranh Phật Giáo của Nguyễn Thanh biên
soạn, Hoa Đạo xuất bản năm 1964 (số 550 đường Trần Hưng
Đạo, Sài Gòn). Sách dày 260 trang.
4.
Việt
Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử của Tuệ Giác biên soạn,
do Hoa Nghiêm (75A đường Trần Bình Trọng, Chợ Lớn) xuất
bản năm 1964, sách dày 446 trang, có mang lời tựa của thiền
sư Tam Giác viết vào ngày Phật Đản năm 1964. Sách được
Tổng Vụ Hoằng Pháp của Viện Hóa Đạo duyệt y.
5
Công
Cuộc Tranh Đấu Của Phật Giáo Việt Nam Từ Phật Đản Đến
Cách Mạng 1963, của Quốc Tuệ biên soạn. Sách dày 548
trang, không mang tên nhà xuất bản nào, có thể do chính tác
giả xuất bản. Sách được kiểm duyệt ngày 28 tháng 1 năm
1964 và in xong vào khoảng tháng 6 năm 1964.
6. Lửa Thiêng Đạo Mầu của Lan Đình và Phương Anh biên soạn, không mang tên nhà xuất bản nào, có thể đã do tác giả xuất bản. Sách được kiểm duyệt ngày 17 tháng 12 năm 1963, dày 138 trang và có mang một bài tựa của Phú Tiên Nguyễn Duy Tinh. 7. Violation Des Droits De l’Homme Au Sud Viet Nam. Rapport de la Commission d’Enquêtre sur la Répression des Bouddhister en 1963. (Vi Phạm Nhân Quyền Tại Miền Nam Việt Nam. Bản báo cáo của Phái Đoàn Điều Tra Liên Hiệp Quốc về vụ Đàn áp Phật giáo 1963). Tài liệu của Liên Hiệp Quốc do Võ Đình Cường dịch ra quốc ngữ và Hùng Khanh xuất bản tại Sài Gòn năm 1966. Sách dày 297 trang. 8. Cuộc Chiến Đấu Lịch Sử Của Phật Giáo Việt Nam của Nam Thanh biên soạn, do Viện Hóa Đạo xuất bản vào dịp Phật Đản năm 1964, sách khổ lớn 34 x 24 cm, dày 56 trang, biên soạn bằng quốc ngữ và Anh ngữ, có nhiều hình ảnh về cuộc vận động. Trang 3 của sách có in lời giới thiệu của tăng thống Thích Tịnh Khiết. Cách trình bày của sách rất sáng sủa và gọn gàng, hình ảnh rất chọn lọc. Cuốn sách có in bản Hiến Chương của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.
Khuôn
khổ của chương này không cho phép nói nhiều đến những
ưu điểm và khuyết điểm trong đời tổng thống Ngô Đình
Diệm. Ông lên cầm quyền ở miền Nam từ 1954 mãi đến 1963,
tức là 9 năm sau, Phật giáo đồ mới đứng dậy chống ông,
dù ngay từ buổi đầu nắm chính quyền ông đã có ý chèn
ép Phật giáo. Trong thời gian đó ông đã bị nhiều lực lượng
chống đối nhưng ông đã khôn khéo vượt thắng được. Ông
đã loại được tướng Nguyễn Văn Hinh, tham mưu trưởng quân
đội miền Nam, lật được quốc trưởng Bảo Đại, đàn
áp được lực lượng Bình Xuyên, các giáo phái Cao Đài và
Hòa Hảo. Ông bị ám sát hụt tại Ba Mê Thuột ngày 21 tháng
5 năm 1957. Ông lại may mắn thoát được cuộc đảo chính
ngày 11 tháng 11 năm 1960.
Ngày
27.2.1962 ông lại thoát chết trong cuộc dội bom dinh Độc Lập
của hai sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Để củng cố
chính quyền, ông Diệm đã tổ chức Cần Lao Nhân Vị Cách
Mạng Đảng và Phong Trào Cách Mạng QuốcGia. Cần Lao
Nhân Vị được tổ chức để trở thành đảng độc nhất
ở miền Nam: những thành viên của các đảng hái khác, khi
vào đảng Cần Lao Nhân Vị phải vâng theo luật đảng để
kiểm soát đảng mình. Và do đó không có một đảng phái
đối lập nào có thể tồn tại. Cờ của đảng là một nền
lục trên có ba ngôi sao đỏ tượng trưng cho Cần Lao, Cách
Mạng và Nhân Vị. Phong trào cách mạng quốc gia chỉ
là cơ quan thừa hành mệnh lệnh của đảng. Nhiệm vụ của
tổ chức này là tuyên truyền chính trị. Liên hệ vào tổ
chức này có các tổ chức Thanh Niên Cộng Hòa, Phụ Nữ
Liên Đới, Công Chức Cách Mạng v.v… Về chính trị, lưng
dựa của chính quyền là đồng bào Công giáo di cư. Về quân
sự, trước hết, ông Diệm đưa vào gần mười vạn binh sĩ
di cư từ miền Bắc vào Nam, trong số đó phần tử chính là
Nùng và Bảo An Binh. Sau khi loại được tướng Nguyễn Văn
Hinh, ông thu phục được quân đội miền Nam và bắt đầu
võ trang quân đội này bằng viện trợ Hoa Kỳ. Ngoài ra tổ
chức Mật Vụ, quân sự và dân sự, lại đóng một
vai trò vừa quan trọng vừa kinh khiếp trong sự dò xét, bắt
bớ và thủ tiêu các phần tử đối lập. Về phương diện
ý thức hệ, chính quyền Ngô Đình Diệm mượn một phần
truyết thuyết của Emmanuel Mounier làm thành thuyết Nhân
Vị, thêm vào ý niệm Duy Linh rút cảm hứng từ đức
tin Cơ Đốc. Từ năm1956, thuyết này đã được các linh mục
giảng dạy tại trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Trung Tâm
Nhân Vị Vĩnh Long do tổng giám mục Ngô Đình Thục thành lập
khi ông còn làm giám mục ở giáo khu này. Tất cả công chức
toàn quốc đều phải lần lượt tới học tập lý thuyết
Nhân Vị Duy Linh tại trung tâm này, dù là Công giáo hay không
Công giáo. Một phần lớn giảng viên và huấn luyện viên
của trung tâm là giám mục hoặc linh mục.
Sách
Chín
Năm Máu Lửa Dưới Chế Độ Ngô Đình Diệm của Nguyễn
Đam và Thần Phong, lấy tài liệu từ Ủy Ban Tố Cáo Tội
Ác Của Chính Quyền Ngô Đình Diệm và từ các cơ quan công
quyền khác, đã cung cấp rất nhiều dữ kiện về sự đàn
áp và thủ tiêu những thành phần độc lập và đối lập
cùng những tham nhũng và lộng quyền của từng cá nhân trong
giới lãnh đạo chính quyền cũng như trong gia đình ông Diệm.
Các tác giả đã dành trên 300 trang giấy để nói về vụ
này, ở đây ta không cần lập lại việc làm đó. Ta chỉ
cần nhận định rằng cuộc vận động của phật tử mà
thành công được là nhờ sự ủng hộ của toàn dân: người
phật tử thành công được là nhờ sự ủng hộ của toàn
dân: người phật tử thành công vì đã nối liền cuộc tranh
đấu cho bình đẳng tôn giáo với cuộc tranh đấu chống chính
sách độc tài. Ở đây, tưởng nên nhắc tới một số nguyên
nhân đã làm phát khởi cuộc nổi dậy của người phật tử,
trước khi xét tới những diễn biến về cuộc vận động.
1.
Tính
cách độc tài của chế độ. Các ông Ngô Đình Nhu, Ngô
Đình Diệm, Ngô Đình Cẩn và bà Trần Thị Lệ Xuân đã nắm
hết thực quyền trong tay, thực hành chính sách gia đình trị,
không tin tưởng thực sự một người nào khác. Không một
thành viên nào của chính phủ ông Diệm còn được giữ lại
cho đến khi chế độ được sụp đổ. Nhiều người đã
từng giúp ông Diệm trong việc truất phế Bảo Đại và ổn
định tình thế lúc ban đầu cũng bị thủ tiêu. Mọi thành
phần đối lập dù là đối lập chống Cộng đều bị thanh
toán hoặc đàn áp.
2.
Tính
cách tàn ác của chế độ. Với tổ chức Mật Vụ và
với lực lượng Cảnh Sát Đặc Biệt trong đó có những nhân
vật khét tiếng độc ác như Dương Văn Hiếu, Nguyễn Tư Thái,
Nguyễn Thiện Dzai, Phan Khanh v.v… chế độ đã bắt bớ, tra
tấn, giam cầm, đày ải và thủ tiêu hàng vạn thành phần
đối lập. Có lần phủ Tổng Thống đã ra lệnh đánh chìm
một thuyền chở phạm nhân chính trị ra Côn Đảo(156).
Về những cách tra tấn thủ tiêu, sách Chín Năm Máu Lửa
của các ông Nguyệt Đam và Thần Phong đã đưa ra nhiều trường
hợp cụ thể. Về sự giam giữ đối lập, ta có thể nhắc
tới những hầm đá giam người bí mật của ông Ngô Đình
Cẩn mà quần chúng thường gọi là Lãnh Chúa Miền Trung. Nguyệt
Đam và Thần Phong viết về các hầm này sau khi đã quan sát:
"Từ
hầm tra ở ngay giữa đường cho tới hầm giam, chỗ nào cũng
ẩm ướt, xông lên một mùi hôi thúi nặng nề khó chịu…".
"Tất cả có chín cái hầm. Mỗi cái có từ hai mươi đến bốn mươi xà lim. Muốn vào hầm chỉ có một cái cửa duy nhất. Tàn nhẫn nhất là cả chín cái hầm dành giam hàng mấy trăm người, bọn Cẩn chỉ để một lỗ thông hơi…". "Sàn xà lim ẩm thấp và do đấy, chúng tôi thấy có những viên gạch. Có lẽ nạn nhân dùng để gối đầu hoặc ngồi lên đó mà ngủ. Mỗi xà lim dài độ 1m50, rộng 60 phân và cao chừng 1m50, bên trên là những chấn song sắt, trên nữa là nóc hầm, ngăn đôi các xà lim là một cửa cây, giữa là một hành lang dài và hẹp"(157). 3. Tính cách chèn ép bất công của chế độ. Việc đồng bào Công giáo di cư ủng hộ chính quyền Ngô Đình Diệm là một sự kiện đương nhiên, không có gì đáng nói. Ông Diệm là một người công giáo chống Cộng, ở vị thế chính quyền, đang tận lực bảo vệ quyền lợi của người Công giáo di cư, cố nhiên người Công giáo di cư muốn đứng sau lưng ông. Dọc quốc lộ Biên Hòa-Lâm Đồng, các khu định cư Công giáo, dưới sự hướng dẫn của các linh mục địa phương, đã bỏ phiếu ngàn người như một cho chế độ. Bà Ngô Đình Nhu đã đắc cử dân biểu trong môi trường đó. Tuy nhiên, chính quyền đã đi quá đà trong việc nâng đỡ người Công giáo di cư đến nỗi tạo ra quá nhiều hư hỏng, lạm dụng và chèn ép đối với người địa phương. Dựa vào sự ủng hộ không dè dặt của chính quyền, người ta lấy của công để xây cất thánh đường, trường học Công giáo, chiếm địa vị ưu tiên trong guồng máy hành chính quốc gia, trong quân đội, trong các ngành giáo dục, y tế và xã hội. Họ trở thành một giai cấp mới, riêng rẽ, nâng đỡ nhau để chiếm lấy những địa vị và những chức vụ quan trọng nhất trong xã hội… Trong niềm tin tưởng chỉ có người Công giáo mới thực sự chống Cộng, chính quyền không những có ý dung túng những hành động lạm dụng và chèn ép trên, mà lại còn khuyến khích và tự mình dấn thân vào con đường ấy. Nhà thờ Đức Mẹ La Vang ở Quảng Trị, một trung tâm hành hương cách vĩ tuyếtn thứ 17 chừng ba mươi cây số về phía Nam, là một ví dụ cụ thể về phương thức ủng hộ Công giáo chống Cộng của chính quyền. Tổng giám mục Ngô Đình Thục đã từng gọi nhà thờ này là tiền đồn tinh thần của quốc gia, và đã vận động nâng nó lên hàng Vương Cung Thánh Đường. Xuất bản năm 1961, những số đầu của tạp chí Đức Mẹ La Vang đăng tên những người hảo tâm cúng tiền vào việc xây dựng Vương Cung Thánh Đường: Từ phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ qua tất cả các vị bộ trưởng, đến đại tướng tổng tham mưu trưởng, các vị tổng giám đốc v.v… Công giáo hay không Công giáo, ai cũng có tên trong danh sách này. Cảnh sát khắp nơi được giao cho bán vé số Tombola bỏ vào quỹ xây dựng nhà thờ La Vang. Vé xe lửa đi La Vang cho các toán hành hương để dự lễ khánh thành được bớt 50%. Như ta đã biết, công chức toàn quốc đều phải tuần tự đi học tập tại trung tâm Nhân Vị Duy Linh ở Vĩnh Long, dù là Công giáo hay không. Những ai phát biểu ý kiến không phục tùng giáo thuyết này đều bị để ý và kết quả là bị sa thải hoặc thuyên chuyển.
Quốc
trưởng Bảo Đại bị truất phế từ năm 1955 nhưng Đạo
dụ số 10 do ông ký ngày 6.8.1950 vẫn được chính quyền Ngô
Đình Diệm thi hành theo, bởi vì Đạo dụ này không ràng buộc
Công giáo vào thể chế hiệp hội và cho phép kiềm chế các
tôn giáo khác. Ngoài sự chèn ép các tổ chức Phật giáo,
chế độ còn khủng bố những tăng sĩ và cư sĩ đang hoạt
động đắc lực tại các chi hội Phật giáo địa phương,
ép uổng người phật tử bỏ đạo để theo Công giáo. Có
người vì sợ mất công ăn việc làm đã phải làm lễ rửa
tội theo đạo. Có nhà phải đem bàn thờ Phật hoặc bàn thờ
tổ tiên từ gian nhà giữa vào thiết kế ở nhà sau để khỏi
bị dòm ngó. Có người cương quyết giữ vững tín tâm đã
bị vu khống và bắt đi "học tập" dài hạn tại các trại
Cải Huấn. Năm 1963, hội Phật Giáo Việt Nam tại Trung Phần
công bố hai tập tài liệu ghi chép những vụ vi phạm nhân
quyền, kỳ thị tôn giáo và đàn áp phật tử từ năm 1959
đến năm 1963. Tập đầu dày 49 trang và tập thứ hai 98 trang.
Tập sau này có cả những biên bản về các vụ kỳ thị,
bắt ép và đàn áp, có đủ tên họ, chữ ký và con dấu của
các tổ chức Phật giáo địa phương (158).
Tại Quảng Ngãi chẳng hạn, theo tài liệu ấy, có mười lăm
vụ bắt buộc tín đồ Phật giáo theo Công giáo, một vụ
tra tấn và tù đày tăng sĩ sau khi đã vu khống cho ông là
"Việt Cộng". Tại Bình Định, có bảy vụ bắt buộc những
cư sĩ lãnh đạo Phật giáo địa phương bỏ nhà cửa để
đi "dinh điền" trên cao nguyên, trong khi những người này
thuộc các thành phần phú nông, tiểu tư sản, không phải
là người dân thất nghiệp; và năm vụ ép buộc theo Công
giáo, ba vụ hăm dọa thủ tiêu, ba vụ bắt bớ, tra tấn và
thủ tiêu phật tử, một vụ chôn sống hai tín đồ Phật
giáo chung trong một cái hầm…(159)
Năm
1957, chính quyền ra lệnh loại bỏ ngày Phật Đản ra khỏi
số ngày nghỉ chính thức trong năm. Đây là một đòn đánh
vào người Phật giáo. Ngày Phật Đản đối với người phật
tử quan trọng không khác gì ngày giáng sinh Noel đối với
người Công giáo. Hành động này của chính quyền cho ta một
ý niệm rõ rệt về mức chèn ép và đàn áp Phật giáo của
chế độ. Cố nhiên phật tử rất phẫn uất trước sự chèn
ép đo. Đại hội đồng hội Việt Nam Phật Học (Trung Phần)
họp vào tháng Ba năm 1957 đã sôi nổi thảo luận về vụ
này và đã đánh bức điện sau đây cho Tổng Hội Phật Giáo
Việt Nam tại Sài Gòn. "Tổng hội đồng lần thứ 25 toàn
hội Việt Nam Phật Học gồm có liệt vị chứng minh đại
đạo sư trong Giáo Hội Tăng Già và đại biểu 14 tỉnh hội
đại diện cho 565 đơn vị họp tại chùa Từ Đàm Huế trong
các ngày 8, 9, 10 và 11 tháng 3 năm 1957 kính đặt niềm tin tưởng
vào Tổng Hội. Yêu cầu Tổng Hội liên tục tích cực can
thiệp lên Chính Phủ và Quốc Hội công nhận ngày Phật Đản
mồng tám tháng Tư âm lịch là ngày lễ hợp pháp vĩnh viễn
của quốc gia. Chủ tịch đại hội đồng Thích Thiện Minh" (160).
Phật Đản năm ấy được phật tử khắp nơi tổ chức rầm
rộ lớn bằng mười lần mọi năm để tỏ thái độ. Dưới
áp lực của quần chúng, chính quyền đã công nhận lại ngày
Phật Đản sau đó một năm.
Những
đàn áp, bắt bớ, tra tấn và thủ tiêu, những cuộc bầu
cử gian lận, những cuộc giam giữ trái phép đối với mọi
thành phần đối lập đã làm cho quần chúng thù ghét chế
độ. Josept Buttinger, một học giả Tây phương đã nói như
sau về chế độ: "Bị giới trí thức chống đối, giới
trung lưu khinh miệt, giới doanh thương từ bỏ, bị tuổi trẻ
và các nhà chính trị ái quốc ghét bỏ, chánh phủ Ngô Đình
Diệm thiếu hẳn sự ủng hộ của quần chúng và chỉ còn
cách dùng đến bộ máy kềm kẹp..."(161).
Những người trung thành với chế độ ông Diệm thường cho
rằng sở dĩ miền Nam sụp đổ là vì chế độ ông Diệm
không còn. Sự thực không phải như vậy: chính vì những tàn
ác độc tài của ông mà miền Bắc đã xây được cở chống
đối võ trang ở miền Nam. Ký giả Robert Guillain của báo Le
Monde đã viết như sau: "Ông Diệm đã trở thành người
tiếp tay cho Cộng Sản. Tại Sài Gòn, cán bộ Việt cộng thường
rỉ tai nhau theo kiểu Votaire: nếu không có Diệm thì phải
tạo ra cho được Diệm. Ngày 11 tháng 11 vừa qua, chính người
Việt Cộng sợ ông Diệm bị lật đổ hơn ai hết. Họ mong
cho ông Diệm ngồi trong dinh Độc Lập thêm một thời gian
dài nữa sau đám vệ binh, trong khi đất nước đang từ từ
sụp đổ xung quanh. Họ tính toán rằng chỉ trong một hoặc
hai năm thì miền Nam sẽ từ tay ông Diệm qua tay Bác Hồ…"(162)
Cuộc
vận động của Phật giáo để chống độc tài có lẽ đã
đến hơi chậm, nhưng ta biết rằng trước đó, Phật giáo
đồ chưa hội đủ điều kiện cần thiết.
(156)Cuốn
Chín
Năm Máu Lửa Dưới Chế Độ Ngô Đình Diệm của Nguyệt
Đam và Thần Phong do các tác giả xuất bản năm 1964 tại Sài
Gòn là một trong những tài liệu đúng đắn nhất, trang 287-288.
Đại úy Không
quân Huỳnh Minh Đường nhận lệnh này ngày 5.10.1963 nhưng
đã từ chối không thi hành lệnh và đã lái máy bay qua tị
nạn ở Căm Pu Chia
(158)Những
tạp tài liệu này đã được thiền sư Nhất Hạnh, hồi này
đang dạy học ở trường Đại Học Columbia ở Nữu Ước,
chuyển tới ông chủ tịch Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và
tất cả các vị đại sứ có mặt tại đó vào tháng 9 năm
1963.
(159)Chi
tiết về những vụ này có thể tìm trong sách Phật Giáo
Tranh Đấu Sử của Quốc Oai (Sài Gòn 1963, Tân Sanh xuất
bản) và sách Công Cuộc Tranh Đấu Của Phật Giáo Việt
Nam của Quốc Tuệ (Sài Gòn 1964, tác giả xuất bản).
|