Người Cư Sĩ          [ Mục lục         [Trang chủ ]
Phật Giáo Nguyên Thủy Và Thuyết Nghiệp Quả
Chương Một
*
Tuệ Lạc (Nguyễn Điều)

 
 
I - Hoàng Địa : Suvannabhūmi.

Nước Việt có điểm may mắn là nằm giữa hai cái nôi phát triển Phật Giáo, đã một thời cực thịnh là Trung HoaHoàng Địa. Ngày xưa Ấn Độ là trung tâm văn hóa của Hoàng Địa (Suvannabhūmi) nầy. Nếu cái nôi Trung Hoa được gọi là "trọng điểm" của Phật Giáo Bắc Truyền, thì cái nôi Hoàng Địa phải được gọi là "mệnh mạch" của toàn thể Phật Giáo nói chung, và của Phật Giáo Nguyên Thủy nói riêng.

Và nếu không muốn tạo hiểu lầm hay gây khích động đối với những người quá quan trọng từ ngữ, danh nghĩa, cái tên "Phật Giáo Nguyên Thủy" cũng có thể gọi là Phật Giáo Nam Truyền.

Vậy chúng ta thử tìm hiểu hai "cái nôi" phát triển Phật Giáo vừa nói :

Phật Giáo Bắc Truyền thì đã được nhiều sách vở Hán-Việt, hay ngoại ngữ nói đến. Nhưng Phật Giáo Hoàng Địa (hay dịch đúng là "Phật GiáoĐất Vàng"), thì chưa được nhiều nhà học Phật, dùng quốc ngữ Việt Nam sưu tầm, phổ biến. (Hoàng Địa là dịch nghĩa ra Hán-Việt) của danh từ Nam Phạn Suvannabhūmi, dựa theo kinh điển Phật Giáo Nguyên Thủy

"Phật Giáo Hoàng Địa", bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn, với văn minh Gandhara, kéo dài từ đất Lưỡng Hà (Mésopatamie), cựu nước Ba Tư (Perse), qua A Phú Hãn, Hồi Quốc, Ấn Độ, Tích lan, Miến Điện, Xiêm la, Cao Miên, cổ Thủy Chân Lạp (tức cựu Phù Nam), Chiêm Thành... ra đến các quần đảo Mã Lai và Nam Dương.

Phía Phật Giáo Bắc Truyền thì duyên theo con đường Tơ Lụa (route de la Soie), ở nguồn xa từ cổ Ấn Độ (Bharatta), nằm phía Tây Bắc Việt Nam, xuyên qua Tây Tạng, mà Phật Giáo gọi là gốc "Thiên Trúc", cách sau Phật tịch khoảng hơn bốn trăm năm, mới lần lượt truyền sang Trung Hoa, Mông Cổ, Cao Ly, Nhật Bản, rồi vào Bắc Việt Nam, do những du tăng Ấn Độ gốc Bà La Môn giáo, đã để lại cho các quốc gia nầy nhiều nét văn hóa siêu hình, duy thức, khá hợp với niềm tin thuở trước, mà đến nay ảnh hưởng vẫn còn ăn sâu, làm cho thế giới chú ý.

Nhưng nhìn vào thực tế, chúng ta thấy hệ thống Phật Giáo Bắc Truyền, hay hệ thống Phật Giáo lấy Trung Hoa làm giao lưu chính, (với các dòng tổ, trước từ Ấn Độ sang, sau kế thừa tự bản xứ), chẳng những đã bị ảnh hưởng nặng nề bỡi nhiều tín điều Bà la Môn, -như phân chia giai tầng tín đồ, dưới dạng xếp loại thượng căn, trung căn, hạ căn, -như tại VN đặt ra các giáo phẩm bốn năm cấp, từ Hòa Thượng thượng thủ, Hòa Thượng trưởng lão, rồi Hoà Thượng vừa "tấn phong", xuống đến Thượng Tọa, Đại Đức, tăng ni, cho chí chú tiểu.v.v... mà trầm trọng hơn hết, là hệ thống Phật Giáo Bắc Truyền còn bị địa phương hóa theo chiều thần thoại, bằng lắm lễ nghi, hình thức phức tạp, đặt nặng tính tha lực, mê tín, hơn là dùng phương tiện dẫn dắt, lấy cụ thể để soi sáng trừu tượng tâm linh, xuyên qua dòng thời gian, và được gọi với một cái tên khá xưng tụngPhật Giáo "đại thừa".

Tín ngưỡng "Đại Phạm Thiên" (Mahā Brahmanisme) trong Bà-la-Môn giáo có thể liên quan rất nhiều đến hệ thống "Phật Giáo Bắc Truyền". Tiêu biểu nhất là "Phật Chuẩn Đề" trong Phật Giáo Bắc Truyền, gốc là một vị thần của đạo Bà-la-Môn. Đó là chưa kể những hình tượng thờ phượng trong các cổ tự "đại thừa" tại Việt Nam trước đây hơn 50 năm, có thể nói là đếm từ số 10 trở lên, tương đương với toàn bộ linh tượng của Ấn Độ đa thần giáo.

"Đại thừa Phật Giáo" đã chỉ bắt đầu làm giống Phật Giáo Nguyên Thủy (mà họ gọi là "tiểu thừa"), chừng bốn năm chục năm nay mà thôi. Nghĩa là hiện tại phần đông (chứ không phải tất cả) các chùa Bắc tông VN đã bắt đầu thờ duy nhất một Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni, ở trung ương Phật đài trong chính điện. Còn chư Bồ-Tát thì họ chưa tượng trưng bằng Hoa Sen như "tiểu thừa".

Riêng ngày chào đời của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni, mà họ gọi là lễ "Phật Đản" mùng tám tháng tư, "đại thừa Phật Giáo" cũng đã dần dần "điều chỉnh" thành rằm tháng Tư, cho "thống nhất" với đại lễ "Tam Hợp", của truyền thống quốc tế Phật Giáo "Nguyên Thủy".

Tất nhiên, điều đáng khích lệ trong hiện tại, là hằng năm toàn thể tín đồ Phật giáo VN (bất kể Nam hay Bắc tông) đều đón mừng ngày Đại Lễ Tam Hợp (Đản Sinh, Thành Đạo, và Nhập Niết Bàn) của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni vào rằm tháng Tư Âm Lịch, cùng lúc với các dân tộc tin Phật khác trên thế giới.

Lại nữa, lá cờ Phật Giáo với năm màu rất tươi đẹp và phổ biến ngày nay, cũng phát nguồn từ kinh điển Phật Giáo Nguyên Thủy (tiểu thừa), dựa trên các hạnh tối thượng Ba La Mật, mà tiền thân Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni, đã muôn kiếp thực hiện viên tròn. Lá cờ ấy còn tượng trưng cho hào quang ngũ sắc của đức Phật. Người đúc kết ra lá cờ Phật giáo là một học giả gốc người Nga, đã tu học tại Tích Lan, vào đầu thế kỷ 20.

Bằng thái độ nghiên cứu Phật Giáo khách quan và trong tinh thần lục hòa, khó ai có thể phủ nhận rằng : Tam Tạng Kinh Điển chữ Phạn của Phật Giáo Nguyên Thủy đã, đang, và sẽ là nền tảng của toàn thể Phật Giáo nói chung, và của Phật Giáo Nam Truyền nói riêng, chúng tôi không hiểu tại sao người ta lại tiếp tục "chia chẻ" mệnh mạch của đạo Phật, thành "tiểu thừa", "đại thừa", hay gì gì thêm nữa, như thế ?

Mặt khác, truyền thống Bắc Truyền vốn "thừa hưởng" những kinh điển, khi Phật Giáo tại Ấn Độ bị phân kỳ, chia rẽ, và khuynh hướng đạo hạnh nghiên theo phổ thông thế tục được thắng thế (?). Sự thật, chỉ có một phần kinh điển Phật giáo được dịch ra Hán văn, nằm trong Phật học của Phật Giáo "đại thừa", phần còn lại không diễn nghĩa, chỉ "chú tự" chữ Sanskrit (Bắc Phạn) ra giọng Hán, vốn có một số dị âm, nghe rất thần bí, khó hiểu. (Tiêu biểu là các bài "chú", tụng theo tiếng mõ).

Nếu nói về thời gian, thì hầu hết kinh điển Phật Giáo Bắc Truyền, xuất hiện từ trước lẫn sau học giả Huyền Trang, đời nhà Đường bên Tàu, khoảng thế kỷ thứ 7 sau Tây lịch, tức là cách đức Phật khá xa (trên dưới 1000 năm), nên cơ sở luận cứ của họ không tránh khỏi bị pha trộn.

Nói rõ hơn, là trước Huyền Trang cũng có một ít du tăng Trung Hoa sang Ấn Độ "học Phật" rồi mang Giáo Lý về nước, chẳng hạng như Phổ Hiền vào thế kỷ thứ 4 sau TL. Nhưng những thu thập của họ, chỉ là tài liệu nghiên cứu cá biệt của dật sĩ, tăng nhân, chưa được chính thức hệ thống hóa, như từ Huyền Trang về sau.

Phía Phật Giáo Hoàng Địa (Suvannabhūmi Buddhasāsana), hay "Phật Giáo Nguyên Thủy", cũng một thời hưng thịnh, huy hoàng không kém. Nhất là dưới các triều đại, từ Maurijan đến Asoka (A Dục), bắt đầu vào thế kỷ thứ ba trước tây lịch. Thời ấy đã có rất nhiều tăng đoàn truyền giáo đạo Phật (người Ấn), gọi là "Như Lai Sứ Giả"(Dhammaduta), theo thương thuyền đường biển Đông Bắc, đem Phật Giáo gieo rắc tại những địa phương giao thông với các bến tàu dọc duyên hải các nước Miến Điện, Xiêm La, Cao Miên, Phù Nam, Chiêm Thành, nhất là Giao Châu, trước khi thấu đến Trung Hoa, Nhật Bản.

Trong đó phải kể trước nhất là Luy Lâu, gần kinh đô Hoa Lư, thời Đinh Tiên Hoàng (Bắc Việt Nam ngày nay), là một trong những "trung tâm" Phật Giáo đầu tiên, tại nước ta. Và thời gian du nhập dưới dạng thủy đạo sơ khởi ấy kéo dài đến khoảng thế kỷ thứ hai, thứ ba sau Tây lịch.

Dĩ nhiên, hệ thống Giáo Điển Hoàng Địa nầy đã được ghi lại bằng chử Nam Phạn (Pāli) hay Bắc Phạn (Sanskrit),mà ngày nay nhiều nhà nghiên cứu Phật Giáo còn gọi một cách đơn giản hệ thống nầy là Phật Giáo Nam Truyền, để ám chỉ các nước Phật Giáo Tích Lan, Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan, Cao Miên, Ai Lao và một phần Tây Nam miền Nam Việt Nam, như các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Bình, Sa Đéc, Sóc Trăng .v.v... (Chiêm Thành không kể vào đây vì hiện tại đã hoàn toàn là lãnh thổ Việt Nam).

Tuy nhiên, cả hai hướng phổ biến Phật Giáo là Bắc Truyền và Nam Truyền, cũng đã không tránh khỏi luật thăng trầm. Nếu Bắc Truyền Phật Giáo khi thất thế bị các triều đại cuồng Nho ngược đãi, hay bị các bạo chúa như Tần Thủy Hoàng đốt sách, giết sư..., thì Nam Truyền Phật Giáo cũng từng bị một cuộc xâm lăng qui mô của Hồi Giáo, làm cho đổ nát, hoang tàn không kém.

Biết bao di sản vô giá của nền văn minh Phật Giáo Nam Truyền đã bị phá hủy, chôn vùi dưới lớp bụi vô thường, rồi "đổi chủ" một cách tang thương, mất mát trong khắp vùng Suvannabhūmi (Hoàng Địa). Chứng tích của nền văn minh hạn hữu ấy còn lại ngày nay, là tại vùng Bamiyan thuộc nước A Phú Hãn (Afghan) hiện có nhiều tượng Phật với tư thế thiền định, khắc sâu trong những hốc đá trên vách núi, mà các nhà khảo cổ khắp thế giới đã không ngừng nói đến.

Trong số đó có hai tượng Phật khổng lồ với tư thế đứng rất đẹp, cao đến hàng trăm thước, đã bị phe tu sĩ cuồng tín Hồi Giáo Talibans, cầm quyền tại Kaboul giật sập cách nay mấy năm, trước khi bị Liên Minh Hoa Kỳ chống khủng bố quốc tế đáng bại.

Theo đặc phái viên Bernard Henri Lévy, tiết lộ trên nhật báo Le Monde ngày 7-3-2002, thì hiện nay tại trung tâm Bamiyan, còn một tượng Phật khổng lồ thứ ba khác, với tư thế nằm, chôn sâu trong lòng đất, mà nhiều thế kỷ truớc đã có những hiện tượng linh thiêng, khiến cho các đoàn hành hương Trung Hoa, hằng năm đến chiêm bái. Cũng may là tượng Phật nằm nầy đã chưa bị nhóm Talibans, khi cầm quyền hẹp hòi phản ứng, nên mới còn nguyên vẹn.

Theo sử liệu thì sau cuộc xâm lăng của Hồi Giáo, nhiều di sản vô giá thuộc văn minh Phật Gíáo Nguyên Thủy (Gandhara) trong vùng Hoàng Địa, đã bị Hồi Giáo (Islamisme) lẫn Ấn Độ Giáo (Hindouisme) sau đó thừa cơ hội Phật Giáo yếu thế, đục đẽo, biến dạng thành những kiến trúc điêu khắc theo hình tượng của họ. Duy nhất chỉ có Miến Điện và quốc đảo Tích Lan (Sri Lanka hay Ceylan) thì may mắn ít bị tầm phá hoại nầy.

Do đó, về sau người ta vẫn nói "cổ kinh chữ Phạn (Pāli) của Phật Giáo Miến Điện và Tích Lan là nguồn thánh điển gần với Phật Giáo thời đức Phật nhất". Điều ấy cũng không lấy gì làm quá đáng, và cũng để gợi ý trên khía cạnh đó, một số nhà viết sách Phật Giáo vô tư cận đại đã gọi 2 nền Phật Giáo Miến Điện và Tích Lan là truyền thừa của Phật Giáo thời Phật, hay Phật Giáo Nguyên Thủy của hai nước nầy, gần gủi với nguồn gốc hơn các nước Phật Giáo Nam Truyền khác, như Cao Miên, Thái Lan, và Lào..v.v...
 

II - Về cái tên Phật Giáo Nguyên Thủy.
"Phật Giáo Nguyên Thủy" là cái tên được dịch thoát nghĩa của danh từ Theravāda, một ngôn ngữ theo kinh điển chữ Phạn (Pāli) đã xử dụng từ thời đức Phật tại tiền, và vẫn còn phổ thông đến các kỳ kết tập Tam Tạng Phật Giáo về sau (khi Phật không còn nữa).

Riêng trong lần kết tập Tam Tạng lần thứ ba (Tatiya Sangīti), tại Tỳ-Xá-Ly (Vesālī), khoảng non 200 n?m sau Phật nhập diệt, tức là hơn 300 năm trước Thiên Chúa giáng sinh, danh từ Theravāda đã được đặc biệt chú ý, vì có sự xuất hiện của danh từ ācariyavāda, để khi nghiên cứu Phật Giáo, người ta không bị lẫn lộn giữa nội dung hai cách kết tập Phật Giáo từ đó về sau.

Số là, thời ấy có sự bất đồng tư tưởng giữa hai tăng đoàn nòng cốt trong Phật Giáo. Tăng đoàn thứ nhất ít người hơn, tiếng Phạn gọi là Hīnavagga : Nhóm nhỏ. (Hīna là nhỏ, ít người. Vagga là nhóm, hội, bọn), gồm những vị tôn túc hay trưởng lão (thera), hầu hết là thánh tăng. Khi kết tập tam tạng (hay thuật lại những lời Phật day), các Ngài chủ trương lấy hành động nghiêm trì giới luậtsự tu chứng của sa môn để làm gương độ sinh, lưu truyền Phật Giáo. Các Ngài chẳng lấy hợp thời văn tự làm tiêu chuẩn truyền bá, nên các Ngài đồng lòng tâm nguyện giữ nguyên lời Phật dạy, không vô tình hay cố ý viện lẽ canh cải Phật ngôn.

Tăng đoàn thứ hai đông người hơn, Phạn ngữ gọi là Mahāvagga, tức là nhóm, hội, lớn. (Mahā : lớn, vagga : nhóm, bọn). Tăng đoàn nầy tích cực viện dẫn rằng : "Các Như Lai sứ giả (Dhammaduta), hay còn gọi là "du tăng giảng sư" (ācariya), phải bôn ba đây đó để truyền bá Phật Giáo. Họ không thể không giữ tiền bạc và một số vật dụng, nhu yếu phẩm như đường, sữa, muối, y phục.v.v...để tùy thân và "bảo vệ sức khỏe" (?), nên họ chủ trương sửa đổi một số điều Phật dạy thuộc các phần luật Ưng Xả Đối Trị, và "dễ dãi hóa" những điều Phật cấm mà họ xem là "ít quan trọng", để làm phương tiện (?), gọi là thích hợp (?) với thời gian và địa phương, hầu dễ dàng trong việc truyền bá giáo lý nhà Phật.

Lại nữa, các triều đại A Dục đỡ đầu cho công cuộc Kết Tập Tam Tạng đó thời bấy giờ là những triều đại hộ trì Phật Giáo, khi nghe đôi bên phát biểu ý kiến, Hoàng gia Hộ Pháp đều cho là "hợp lý", nên dốc lòng hộ trì cả hai tăng đoàn trong việc kết tập tam tạng lần thứ ba ấy.

Kết quả, Tam Tạng Kinh Điển (Tipitaka) do các vị trưởng lão tụng lại được mệnh danh là Theravāda (Tôn Túc Thuyết).toàn thể Kinh Điển kia được Tăng đoàn số đông chủ trương "canh cải" lập thành, được gọi là ācariyavāda (Giáo Sĩ Thuyết). (Chữ vāda có nghĩa là thuyết, chữ Thera ám chỉ các bậc tôn túc, trưởng lão, và chữ ācariya có nghĩa là giáo sĩ, giáo thọ hay giảng sư).

Nếu dịch sát nghĩa thì danh từ Theravāda phải được dịch ra Việt ngữ là Tôn Túc Thuyết, (=Thượng Tọa Thuyết) hay Tôn Túc Bộ, (=Thượng Tọa Bộ). Và tương tự như thế, danh từ ācariyavāda cũng được dịch đúng là Giáo Thọ Thuyết hay Giáo Thọ Bộ. Riêng chữ ācariya còn được người Tàu phiên âm là A Xà Lê, nên danh từ ācariyavāda cũng được chuyển ra Hán Việt là A Xà Lê thuyết hay A Xà Lê Bộ nữa.

Tưởng cũng nên nói thêm rằng chữ "v" (dạng Roman), trong 2 danh tư? Hīna-vagga" (có nghĩa đoàn nhỏ, ít người) và "Mahā-vagga (hay đoàn lớn, đông người), ngày xưa Ấn Độ đã dùng mẫu chữ Devanāgarī ("thánh tự" của đạo Bà-La-Môn) để viết, thì cả hai chữ ấy trông khá giống với chữ "y". Chúng chỉ khác ở chỗ hai nét phía trên của phụ âm "" (=v) thì khép gần lại, còn hai nét tương tự ấy của phụ âm "" (=y) thì hở ra.

Nếu hai chữ "v" và "y" (dạng Bà La Môn tự) kia được khắc trên gỗ hay đá, và thời gian hàng ngàn năm trôi qua, thăng trầm biến hoại, vật đổi sao dời, chúng phải lu mờ, và chắc chắn có thể bị đời sau đọc nhầm chữ nầy ra chữ khác. Nhất là "sự đọc nhầm" ấy chỉ có hại cho Phật Giáo Nguyên Thủy trong lúc suy yếu tại Ấn Độ, chứ chẳng thiệt thòi gì đến ai. Không khéo nó còn giúp "ích" cho những kẻ chủ trương tiêu diệt tinh thần độc lập (đặc tính của Phật Giáo Nguyên Thủy), chia rẽ văn hóa của một đối lực chính trị nào đó, hay thuận lợi cho việc xưng tụng một dạng Phật Giáo mới, do các luận sư gốc Bà La Môn đội lốp "thinh văn", "bồ tát" kế tiếp khai thác đạo Phật, đang thừa dịp bành trướng uy thế.

Trùng hợp hơn nữa, là phụ âm "V" trong từ "Vagga", lại được theo sau bỡi nguyên âm ngắn "a", và nhị trùng phụ âm "gg+a", nên hình thức của nó dưới dạng Devanāgarī, trơng giống như chữ "yana", có nghĩa là "thừa", "thặng", hay "cổ xe".

Nói tóm lại, mẫu tự Devanāgarī (Ba?-La-Môn) nếu đem khắc chữ "Mahāvagga" (vốn có nghĩa là đoàn lớn hay nhóm đông) khi đã lu mờ, có thể bị đọc lầm là "Mahāyana", có nghĩa là xe to, đại thặng, hay đại thừa. Tương tự như thế : Cũng mẫu tự Bà La Môn ấy, nếu dùng khắc chữ "Hīnavagga" (đoàn nhỏ hay nhóm nhỏ) khi đã lu mờ, cũng có thể bị đọc lầm là Hīnayana, nghĩa là xe nhỏ, tiểu thặng, hay tiểu thừa.

Từ những dòng sưu tầm nghiêm chỉnh trên đây, chúng tôi thiết nghĩ : Các danh từ "đại thừa", đại thặng, hay cổ xe lớn, và "tiểu thừa", tiểu thặng, hay cổ xe nhỏ, hẳn chỉ là dịch nghĩa lầm lẫn của cặp chữ Phạn : "Hīnavagga" và "Mahāvagga", đọc nhầm ra "Hīnayana" và "Mahāyana".

Công tác soi sáng danh xưng ở đây, chỉ để tránh cho chúng ta sự nghiên cứu phiến diện, tắt trách, quen dựa theo những gì đã rồi, chứ không phải để thiên lệch, biện hộ cho một tông phái bị xem là "tiểu", phản đối một tông phái khác, tự xưng tụng là "đại". Vì tiểu hay đại, nhỏ hay lớn đối với Phật Giáo đều vô nghĩa, và chấp vào đó thì không còn xứng đáng là Phật Giáo nữa.

Mặt khác, hai danh xưng tập thể "tiểu thừa" và "đại thừa", xưa nay càng dùng càng xa lìa tôn chỉ đạo Phật. Hai danh từ ấy cũng không xứng đáng với tinh thần của hai khuynh hướng kết tập Tam Tạng Kinh Điển Phật Giáo lần thứ ba nữa. Vì Thượng Tọa Thuyết hay Giáo Thọ Thuyết (=A-Xà-Lê Thuyết) thuở xưa, tuy có bất đồng một số "điểm phụ", nhưng những giáo lý chính vẫn tôn nguyên, không có đặc tính tạo ra hai loại Phật Giáo khinh trọng, một đàng tự kiêu cho là mình "thượng căn", quảng đại, thuận thời, và đàng kia bị xem là đóng khung, bảo thủ, hẹp hòi, chấp cũ. Nên chúng ta có thể nói : Tật xưng tụng và phân biệt trong tăng sĩ từ nhiều thế kỷ nay, đã gây hàng loạt mâu thuẫn vô lý, phơi bày không ít nhược điểm, hẹp hòi trong các sinh hoạt gọi là "xiểng dương" giáo lý nhà Phật, để gieo rắc "ánh sáng" độ sinh, dẹp bỏ ranh giới.

"Thượng Tọa Thuyết" hay "Giáo Thọ Bộ" ghi trên đây, chỉ để nói rõ rằng kinh điển đã được thuật lại "bởi ai". Và trong hoàn cảnh nào những lời Phật dạy được kết tập. Và từ đó, có sự canh cải đầu tiên, để cho toàn thể các thế hệ Phật tử về sau biết sự thật mà nghiên cứu, hầu thích ứng với khả năng tu tập của mình.

Chúng tôi thiết nghĩ những dữ kiện ấy càng không phải là nguyên nhân để hợp thức hóa việc phân biệt tông phái sau nầy. Vì theo tinh thần Phật Giáo, phân biệt là chấp trước và chia rẽ. Mà chấp trước và chia rẽ, chính là tạo duyên cho nhiều ác pháp phát sinh, sẽ đưa đến mắc dính và đố kỵ, khởi đầu của mọi hẹp hòi tự tâm linh và suy đồi trong đạo Phật.

Vả lại, giáo lý trọn lành của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni, là một giáo lý "siêu" (hay bao trùm khoa học), phi thời gian, phi không gian. Giáo lý ấy dùng duy tuệ thị nghiệp vô biên hỷ xả làm căn bản. Nên ở thời kỳ nào, ở môi trường nào, nó cũng dung thông, khả hợp, không cần phải "khế lý", "khế cơ" để thay đổi chi cả. Càng không cần phải canh cải cho xứng với cái khung thế sự nầy, hay cho tiện với cái khung thế sự khác, để thuận với trào lưu nhân tâm, vì Phật Giáo Nguyên Thủy tự nó chính là nguồn "cam lộ" hướng về tất cả chúng sinh, trong đó nhân loại là thành phần được hưởng ơn ích nhiều nhất.

Nói cách khác, coi trọng cái gọi là "phương tiện hoằng pháp", dựa trên văn tự, tư tưởng ước định, để canh cải Phật ngôn, thì sao bằng hành trì đúng lời Phật dạy, và chứng đắc được quả lành, rồi sau đó sống bằng tinh thần bình đẳng, hy sinh phục vụ, không câu chấp, thì đó chính là "phương tiện" hữu hiệu nhất.

Phương tiện hữu hiệu nầy vốn có thể hội nhập với tất cả, không thấy mình là tân tiến hay bảo thủ, không thấy mình là xa đời hay gần đời, không thấy mình là nằm trong hay ngoài xã hội, thì thiết nghĩ còn phương tiện hoằng pháp nào cao thượng, thích ứng, lâu dài hơn ? Đó chính là sức mạnh triền miên của Phật Giáo Nguyên Thủy, để duy trì và hoằng dương đạo diệt khổ. Vì vậy, thiên về "tâm lý thời đại", và chủ trương tu chính kinh điển, là vô tình hay cố ý làm giảm phẩm hạnh của đạo Phật.

Danh từ Phật Giáo Nguyên Thủy vì vậy, chỉ có nghĩa là y cứ lời Phật dạy, không canh cải, chứ chẳng phải để tự tôn, hay gây chia rẽ chi cả. Nam Tông hay Bắc Tông mà hành đúng theo lời Phật dạy, thì họ chính là tín đồ Phật Giáo Nguyên Thủy. Còn ai không tu hành vị tha như thế, là kẻ phá hoại, lai căn, dù họ có tự đề cao, xưng mình là gì đi nữa.

Cũng nhờ còn Trưởng Lão Thuyết hay Trưởng Lão Bộ (gọi là "tiểu thừa") được duy trì cho đến ngày nay, mà Phật Giáo đồ trên thế giới đã có một nguồn tư liệu đáng giá để truy cứu. Nếu không, có lẽ Phật Giáo trên thế giới hiện giờ, không biết nhận ngày nào có căn cứ, gần với nguồn gốc, để tổ chức kỷ niệm ba biến cố lịch sử trong nhân loại, là Đản Sinh, Thành Đạo, và Nhập Niết Bàn của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni.

Như trên đã nói, Việt Nam có cái may mắn là nằm giữa hai "cái nôi" Phật Giáo Bắc Truyền và Nam Truyền. Nhưng sự may mắn nầy chỉ có giá trị, nếu nền Phật học Việt Nam biết cởi mở, sáng suốt thu thập những cái hay do thời gian bổ túc của Bắc Truyền, lẫn gìn giữ những giá trị phi thời gian của Nam Truyền. Và nhất là can đãm loại bỏ những giáo điều hay tin tưởng sai lạc, lai căn, xâm nhập từ bất cứ dụng tâm địa phương, hay thế lực tham vọng nào, có thể đưa đến nhầm lẫn hay mê tín dị đoan cho dân tộc mình. Dù những giáo điều hay tin tưởng ấy đã có mặt trong tập tục chúng ta từ lâu, vì lý do nầy hay vì lý do khác.

Vả lại, một trong những pháp học hàng đầu của người Phật tử Việt Nam, là xác nhận ân đức Tam Bảo, tức Phật Bảo, Pháp Bảo, và Tăng Bảo, trong đó đứng đầu là Phật Bảo. Bất cứ một đức tính nào qui về đức Phật, dù thậm thâm vi diệu, hay thực tế dễ hiểu, dễ thấy đến đâu, đối với Phật Giáo cũng phải chính đáng, hợp lẽ, và có khả năng vẹt tận màng vô minh, khai sáng tuệ giác cho con người. Bởi đạo Phật là con đường dẫn đến trí tuệ giác ngộ, và người Phật tử chỉ có đức tin trong giới đức chân chánh, chứ không tin tưởng vào những thần linh, nghi lễ nào khác, dù cho những thứ đó đang có quyền lực hay đang được cao trào thế gian ca tụng.

Chính đức Phật khi chưa nhập Niết Bàn cũng đã nhiều lần khuyên nhủ những người hữu duyên đến nghe Ngài thuyết pháp như sau : "Chớ tin những điều không hợp lẽ đạo, những đức hạnh tuyên truyền, những phép lạ thuật lại, dù cho những điều ấy được phát ra từ cửa miệng của một nhân vật có rất nhiều uy quyền, có rất nhiều tiền bạc, có rất nhiều danh tiếng, nhiều bằng cấp, hay nhiều người theo".

Nghĩa là một sự việc chợt nghe qua có vẽ lộng lẫy, đẹp đẽ nhưng trong chiều sâu hàm chứa nhiều mâu thuẫn, nghịch lẽ đạo, ngu dân, dù nhất thời có được hàng ngàn, hàng vạn người xu phụ, cổ võ một chiều đi nữa, người theo Phật cũng không vì vậy mà tùy thuộc vào số đông, nhắm mắt tin càn, chỉ vì nghĩ rằng "nếu có lắm người tán trợ thì nó phải đúng".
 

III - Phật Bảo là nền tảng của pháp Bảo và Tăng Bảo.

Theo Kinh điển Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravāda) thì Phật Bảo có ba quả vị, là :

1/Toàn Giác hay Chánh Đẳng Chánh Giác (Sammā Sambuddha),

2/Độc Giác hay Bích Chi Giác (Pacceka Buddha),

3/Thinh VănGiác hay Duyên Giác(Sāvaka Buddha).

Phật Toàn Giác là bậc đã tự tu, tự độ, chứng được phẩm vô lượng thanh tịnh, tuyệt đối trong sạch và giác ngộ, thấu triệt tất cả các pháp hành trong vũ trụ, từ vi tế đến thô kệch, từ hữu vi đến vô vi. Phật Toàn giác đã tự giải thoát hoàn toàn, ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, tiêu diệt hẳn ba nguồn gốc vướng mắc tội lỗi, là tham lam, sân hận, và si mê. Rồi Ngài đem giáo lý cứu khổ ấy ra phổ cập đến muôn loài chúng sinh, chỉ đường thoát ly ra tam giới. Thân pháp của một vị Phật Toàn Giác cao siêu vô lượng, trời và người không thể sánh bằng, và không ai có thể diễn tả được phẩm Phật.

Phật Độc Giác cũng đầy thánh đức như Phật Toàn Giác, nhưng Ngài không có nguyện lực bôn ba thuyết pháp độ sinh trong tam giới. Trên con đường đắc thành quả Phật và trước khi nhập Niết Bàn, Phật Độc Giác cũng sẵn sàng từ bi cứu độ mọi chúng sinh, nhưng do nguyện lực, Ngài chỉ nói Pháp đến những ai hữu duyên đến gặp Ngài.

Còn chư Thinh Văn Giác là những bậc đã viên mãn thánh đức, nhưng qua kiếp chót, các Ngài phải hợp đến chu kỳ có duyên lành gặp Phật Toàn Giác tiếp độ, mới chứng được quả vị vô thượng giải thoát. Hai chữ "duyên lành" trên đây cũng là lý do các Ngài còn được gọi là "Thinh Văn Duyên Giác". Các Ngài sau đó lại theo Phật, noi gương đấng Toàn Giác, mà thuyết pháp độ sinh.

Như vậy, nghiên cứu về công phu của một vị Phật, hay một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, chúng ta không những đang sưu tầm ơn ích của toàn thể Phật Bảo, mà chúng ta còn nhân dịp nầy, hướng dẫn tâm linh mình, quay về uyên nguyên thánh thiện của những đức hạnh vô song, để từ đó chúng ta may ra có thể nhận chân được phần nào giá trị cứu khổ của Pháp Bảo, và hạnh kiểm tuyệt vời của Tăng Bảo, khi đã hành đúng theo lời Phật dạy.

Đây chính là lý do mà chúng tôi không ngại trình độ còn thiếu sót, cố gắng sưu tầm trong Buddhavamsa (Phật Tông), viết ra phần nghiên cứu tiếp theo đây :

Do viên mãn công phu nào, mà một Bồ Tát trở thành Phật.

Như trên đã vừa nhấn mạnh, thành quả của một vị Phật nói chung, và thành quả của một Phật Toàn Giác nói riêng, tuy giới thiệu sơ qua thì như thế, nhưng khi nghiên cứu vào chiều sâu, thì công phuvô lượng ấy quả thật tuyệt vời, và chứa đầy tuệ giác.

Nếu kể từ khi một Bồ Tát hay "Thiện sĩ", có Phật tánh hùng hậu, phát nguyện trong tâm không xa lìa đạo hạnh, cho đến lúc thành Phật, "thời gian" phải trải qua bao lâu để thực hành viên mãn công hạnh toàn giác ấy, chúng ta dù có dùng tuổi thọ của địa cầu khó tưởng tượng nổi, hay chúng ta dù chẳng dám tính bằng đơn vị thời gian ngắn ngủi của kiếp người, chúng ta cũng không thể tổng kết ra thời gian tu đức dài vô tỷ ấy.

Tuy nhiên, để có phương tiện diễn tả tạm đủ điều đó, trong kinh Phật cũng có những thuật ngữ so sánh, hay ví dụ, dựa theo ước lệ, giúp chúng ta tạm hiểu thấu, cái thời gian hành đạo dài kinh khủng kia.

Kính điển Phật Giáo Nguyên Thủy gọi rất hiếm các "Thiện Sĩ Đại Nguyện" ấy là Bodhisatta (Nam Phạn : Pāli), hay Bodhisatvā (Bắc Phạn : Sanskrit). Còn danh từ Bồ-Tát mà Phật Giáo Bắc Truyền (hay "đại thừa") thường dùng, là cái tên được phiên âm ra Hán tự của "Phạn từ" Bodhisatvā nầy. Thực ra, Bodhisatvā khi phiên âm đầy đủ, thì phải gồm đến bốn chữ, là "Bồ Đề Tát Đỏa", và dịch Hán Việt là "chúng hữu tình", tức là "sinh linh đầy thiện tâm". Bồ-Tát là bậc chắc chắn sẽ thành Phật nhưng chưa phải là Phật.

Bồ-Tát có ba đại hạnh là :

1/Bồ-Tát trí tuệ (Paññādhika),
2/Bồ-Tát đức tin (Saddhādhika), và
3/Bồ-Tát tinh tấn (Viriyādhika).

Vô số tiền thân của Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamunibuddha) là biểu tượng trọn vẹn của Bồ Tát hạnh trí tuệ. Nên hiện tại theo Phật Giáo Nam Truyền (hay Nguyên Thủy), trong giáo lý đức Phật Thích Ca, Kinh Chánh Kiến, tức kinh nói về sự thấy và hiểu chân chánh, hoặc các pháp nhằm dẫn đến tin tưởng sáng suốt (Sammāditthi Sutta) rất là quan trọng.

Và tương tự như thế, theo Phật Giáo Bắc Truyền, kinh "Bác Nhã Ba La Mật Đa" (Trí Độ), cũng là kinh rất nòng cốt. Nghĩa là trong cả hai nền văn hóa đạo Phật, Nam Truyền và Bắc Truyền, nếu chúng ta không cố chấp, chúng ta sẽ tìm thấy có một điểm chung, là trí tuệ đóng vai chính, liên hệ mật thiết đến các kinh khác.

Theo Vi Diệu Tạng (Abhidhammapitaka, Tàu âm : A Tỳ Đàm), thì cả ba hạnh Bồ Tát vừa nêu, khi họ càng tới gần mục tiêu, trên lộ trình tiến đến quả Phật, thì bốn loại tâm đại hạnh (mahāggatācitta), là từ (mettā), bi (karunā), hỷ (muditā), và xả (upekkhā) sẽ dần dần trở thành vô cùng hùng hậu và tỏa ra không biên giới. Từ, bi, hy?, xả ấy vốn luôn luôn đặt nền tảng trên trí tuệ, nên có chỗ còn gọi là Bi-Trí-Dũng.

Do đó, sự xuất hiện độ đời của chư Bồ tát không bao giờ thiếu từ mẫn, hẹp hòi, lo sợ, và tối tăm. Đây là lý do các cộng đồng Phật tử theo truyền hệ Bắc Tông, nhất là người Trung Hoa hằng tin tưởng rằng : "Bồ Tát có lòng từ bi vô lượng, sẵn sàng thị hiện, xả thân (dũng) cứu giúp muôn loài chúng sinh, nhất là những ai bất hạnh, hay bị oan ức. Bồ Tát tự tại cứu độ, không bao giờ biết sợ sệt (vô úy)". Niềm tin rất phổ thông nầy cũng đã làm nổi bật hiện tượng một Quán Thế Âm Bồ Tát đã thỉnh thoảng đưa người vô tội qua khỏi tai ách một cách rất ung dung, ở bất cứ hoàn cảnh nào.

Tuy nhiên, trong Tam Tạng Kinh Điển chữ Phạn, thuộc hệ thống các nước Phật Giáo Nam Truyền, hay Phật Giáo Nguyên Thủy, chúng tôi không tìm thấy đoạn nào nói đến Bồ Tát Quán Thế Âm, mà chỉ có chỗ đề cập đến Bồ Tát Di Lạc (Metreyya Bodhisatta) mà thôi. Và cũng theo nguồn kinh nầy, thì Bồ Tát Di Lạc, đã từ vô lượng kiếp trước tu hạnh tinh tấn (Viriyādhika).

Đến lúc mãn giáo pháp do Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni Sammāsambuddha) lưu lại (còn những non 2500 nữa), thì Bồ Tát Di Lạc sẽ giáng trần kiếp chót, và sẽ đắc quả Phật, để cứu độ chúng sinh trong tương lai, sau khi giáo pháp của đức Phật Thích Ca viên mãn và biến mất.

Kinh Abhidhammasangaha (tạm dịch là Vi Diệu Pháp phân loại tâm thức) còn liệt kê 4 tâm đại hạnh là từ bi hỷ xả nói trên, vào nhóm những tâm sở thiện (kusalacetasikā). Hai tâm đầu từbi của 4 tâm sở thiện ấy, cũng có thể xem là một loại phiền não, nhưng là phiền não thiện. Đó là loại phiền não khi hành giả chưa đạt tới toàn xả, vô nhiễm. Chư thánh nhân mới nhập lưu (như Tu Đà Hoàn Đạo chẳng hạng), lòng có đầy đức từ bi loại nầy. Tuy nó không thúc đẩy các Ngài gây nghiệp ác, nhưng động lực của nó vẫn làm cho các Ngài "bận" tâm không ít.

Còn nói qua công phu và "thời gian" thì từ khi một Thiện Sĩ (hay Bồ Tát) phạm hạnh chính thức phát nguyện hướng đến hoàn toàn giải thoát, cho đến khi chứng đạt quả Phật, phải trải qua một lịch trình tu tập "bao lâu" chúng tôi xin mạn phép, rút từ kinh điển Pāli, ghi lại như sau :

1/ Hạnh trí tuệ :
* Thời gian nguyện trong tâm và âm thầm thực hành là 7 A Tăng Kỳ.
* Phát nguyện ra lời và chính thức thực hành là 9 A Tăng Kỳ, thì gặp Phật thọ ký.
* Sau khi được Phật thọ ký rồi phải tinh tấn thực hành thêm 4 A Tăng Kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nữa.
(Thế nào là một A Tăng Kỳ, hay một đại kiếp, sẽ trình bày đoạn sau)

2/ Hạnh đức tin :
* Thời gian nguyện trong tâm và âm thầm thực hành là 14 A Tăng Kỳ.
* Phát nguyện ra lời và chính thức thực hành là 18 A Tăng Kỳ, thì gặp Phật thọ ký.
* Sau khi được Phật thọ ký rồi phải tinh tấn thực hành thêm 8 A Tăng Kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nữa.

3/ Hạnh tinh tấn :
* Thời gian nguyện trong tâm và âm thầm thực hành là 28 A Tăng Kỳ.
* Phát ra lời nguyện và chính thức thực hành là 36 A Tăng Kỳ, thì gặp Phật thọ ký.
* Sau khi được Phật thọ ký rồi phải tinh tấn thực hành thêm 16 A Tăng Kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nữa.

Giải về "A Tăng Kỳ" trong kinh cũng có sự so sánh để mô tả thế nào là một A Tăng Kỳ như sau : Ấy là một thời gian lâu thăm thẳm, ví như một tảng đá lớn vuông vức mổi chiều 16 ngàn thước. Cứ một trăm năm có vị tiên nữ đến, mang một giải lụa quét lên một lần. Làm như vậy cho đến khi nào cả tảng đá kia mòn nhẵn, biến mất, thì thời gian ấy là một A Tăng Kỳ.

Còn thế nào là một Đại Kiếp ? Phạn ngữ "Mahākappa", dịch là "đại kiếp", trong kinh ghi gồm có 4 giai đoạn là Thành, trụ, hoại, không.

Giai đoạn "thành" là từ khi bắt đầu cấu tạo quả địa cầu sơ khai, u-minh như bầu bụi khổng lồ, vô biên, lơ lửng, không vững chắc như hoa tuyết, như bọt nước. Sau đó "nó" kết tinh thành bột, rồi cứng như đất, như đá, lăn tròn theo sức hút, trên một quỷ đạo thật lâu, khó định được là bao nhiêu năm. Thoạt tiên nó chỉ có 2 tính nóng và lạnh, chưa có sinh vật nào xuất hiện, thì đó là giai đoạn thành.

Giai đoạn"trụ" bắt đầu từ khi nóng lạnh giao thoa, củng cố, nảy ra vi khuẩn, sinh thái nguyên thủy, tượng thành rong rêu và cây cỏ. Đó là những tế bào vô cơ, rồi trở nên hữu cơ, để biến hóa, sinh nở động vật, cao nhất là loài người. Rồi nhân loại tiến hóa, đứng đầu toàn thể khoáng, thực, và động vật, bắt đầu hiện rõ dần dần các hình thức sống theo bản năng, và theo tập thể, các nền văn minh thăng đọa theo chu kỳ. Nhưng sau đó vì tham sân si, loài người tàn sát lẫn nhau, cố chấp dưới chiêu bài nầy hay chiêu bài khác, không thể ngừng kiếp nạn cho mình và muôn loài được. Nhân loại càng đeo đuổi "văn minh", cố chấp mù quáng, khao khát thỏa mãn tối đa tham vọng, càng tranh giành nhau, giết chóc toàn thể cho đến cùng.

Giai đoạn "hoại" kể từ khi quả địa cầu hoàn toàn ô nhiễm, không còn một động vật nào nữa, cho đến khi tất cả nước trong bốn bể khô hết, cỏ cây làm mồi cho sức nóng mặt trời, rồi quả đất bốc cháy toàn diện như một hòn lửa khổng lồ, làm nổ tung hành tinh thành muôn triệu mảnh...Đó cũng là hậu quả của "văn minh" siêu đẳng, do tham lam, sân hận, và si mê tột đỉnh thúc đẩy.

Giai đoạn "không" kể từ khi quả điạ cầu không còn nữa, chỉ có khí u minh vô cực, không cùng, không tận. Và đó là giai đoạn cuối cùng.

Bốn giai đoạn trên tự nó hợp thành một đại kiếp, mà một Bồ Tát, ngoài những A Tăng Kỳ phải thực hiện viên mãn 10 pháp Ba La Mật. Ba La Mật là Tàu âm của danh từ Phạn ngữ "Pāramitā", dịch là "Đáo Bỉ Ngạn" hay tới bờ thoát khổ, thì các Bồ Tát còn phải hành thiện đến chừng ấy đại kiếp nữa. Số đại kiếp nầy nhiều hay ít, tùy theo một trong ba hạnh Bồ Tát, như đã vừa nêu.

Như vậy, một vị Bồ Tát trước khi thành Phật, đã luân hồi cứu độ đến vô tỷ chúng sinh rồi. Và cuối cùng, trong thời gian thành Phật tại tiền, như Phật tổ Thích Ca Mâu Ni chẳng hạng, lại thêm suốt 45 năm trường độ đời không nghỉ, Ngài đã sống trong phẩm cách "hữu dư Niết Bàn" (Parinibbāna), để ban bố phúc lành khắp tam giới chúng sinh, cho chí giờ nhập diệt ... là một viên mãn chân lý tuyệt đối, thì không còn gì gọi là độ sinh chưa đủ cả.

Do đó, nếu có thuyết nào cho rằng : "Đức Phật vì lòng từ vô bờ bến, đến khi nhập diệt, Ngài "không nỡ" an nghỉ Niết Bàn, phải tự đầu thai luân hồi trong tam giới trở lại, dưới hình thức "Bồ Tát", để độ tận chúng sinh", là một điều chỉ đúng với tâm lý phàm tục, cần có "cứu tinh" để van cầu, "lo lót" bằng lễ lộc thế gian mà thôi, chứ không hợp với giáo lý đích thật của đạo Phật !

Chúng tôi dám nói không hợp với giáo lý đạo Phật, vì dựa trên những cơ sở tìm thấy trong kinh điển như sau :

Theo Abhidhammapitaka (A Tỳ Đàm), tức Vi Diệu Pháp Tạng (cũng gọi là Tạng Luận), phần Abhidhammasangaha (tạm dịch là Vi Diệu Pháp thống kê tâm thức), thì một vị Phật khi ở Hữu Dư Niết Bàn, tức là lúc Ngài còn thân thể khỏe mạnh để thuyết pháp độ đời,nhục thân của Phật luôn luôn sinh hoạt dưới một trong hai loại "tâm thức" sau đây :

Loại thứ nhất : Ngài sống với những tịnh quang tâm sở thiện (Sobhana Kusala Cetasikā). Tâm sở có 52 tất cả, trong đó tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả), và những tâm đại hạnh (Mahāggatā) là những tâm sở thiện. Tâm sở có sách gọi là "sở hữu tâm". Với loại sinh hoạt của loại tâm này, Phật thường xuyên mở rộngthầnthông, thấu biết hết mọi khổ đau của tam giới chúng sinh, để tùy duyên cứu độ.

Mỗi ngày đêm (tổng cộng 24 giờ), thân Phật lúc nào cũng thuần thục trong Như Lai Thiền Tứ Niệm Xứ (Catusatipatthāna). Bốn đức tánh từ, bi, hỷ, xả, của đức Phật luôn luôn tự phối hợp một cách thanh tịnh, để trở thành "tiếp độ pháp vô biên, vô cực", tức là chẳng dính mắc vào một đối tượng nào cả.

Không như phàm nhân chúng ta tưởng lầm, quan niệm rằng : Phật thương xót chúng sanh (theo cái nghĩa hẹp hòi), rồi tâm thức Ngài "chia sẻ" cái đau khổ của tất cả chúng sinh liên miên bất tận. Phật "xót thương" tam giới chúng sanh đến nỗi Ngài "xốn xang", "thao thức", nhập diệt không đành (?). Rồi Ngài phải tiếp tục tái sinh để cứu giúp muôn loài, cho đến khi không còn một sinh linh nào luân hồi trong biển khổ nữa, như chúng ta tưởng tượng, là một điều hoàn toàn không đúng với quả vị viên mãn thậpđộ của đức Phật.

Loại thứ hai : Tâm thức của Phật sống bằng "thanh tịnh kim cương pháp" qua các bậc thiền (jhāna). Đây là lúc xác thân tứ đại của Phật đang ở thời điểm tàn úa, hư hoại sau cùng, theo luật tự nhiên của mọi hình thức hữu vi, tan hợp, xoay vần. Đó là lúc Phật sắp nhập Niết Bàn, vì xác thân của Ngài không còn trẻ trung, khỏe mạnh như trước nữa.

Phàm nhân trong trường hợp nầy thì hoảng hốt, đau đớn, lẫn lộn, chới với, nhưng Phật lúc ấy lại là lúc linh quang thanh tịnh nhất. Ngài nhập định, thâu thần vào các bậc thiền, từ hữu sắc đến vô sắc, từ dục giới lên sắc giới, rồi vô sắc giới, tuần tự đến các phẩm thiền như không vô biên, thức vô biên, vô sở hữu xứ, phi tưởng, phi phi tưởng v.v..., sau cùng là Diệt Thọ Tưởng Định, mà chúng ta chỉ dùng nhóm từ "thanh tịnh kim cương" mới có thễ tạm so sánh, hiểu được.

Thức tái sinh trong ngũ uẩn, hay "tâm thiên về sự sống" nương vào danh sắc của Phật đâu còn nữa. Nó đã tiêu trừ lâu rồi, từ lúc Ngài còn làm những kiếp Bồ Tát, phạm hạnh cao nhất sắp viên mãn. Vào kiếp chót thành Phật, nhất là vào giây phút nhập Niết Bàn, thì thức tái sinhấy trong Phật đã hoàn toàn tiêu trừ, thì làm sao Phật có thể đi "phục sinh", vì bất cứ lý do gì, dù cho đó là lý do "cứu thế" ?!

Càng nhầm lẫn hơn nữa, là so sánh cho rằng : Bồ Tát "cao hơn" Phật, vì Phật nhập Niết Bàn là "ích kỷ", chỉ lo giải thoát cho riêng mình, còn Bồ Tát "dám" quay lại tam giới để độ tận chúng sinh, tức là đại từ, đại bi hơn (?).Thực ra, lý do Bồ Tát có thể tái sinh, để vun bồi Ba La Mật pháp, chỉ vì Bồ Tát chưa thành Phật, chưa viên dung công hạnh vượt bờ sống chết. Nhưng Bồ Tát vốn quyết chí thành Phật, giải thoát, nên Ngài phải nhập thế với những đức hạnh hy sinh, cao quí nhất.

Chúng tôi mạn phép dựa vào kinh điển Phật Giáo Nguyên Thủy, nói thẳng ra như vậy. Vì chúng tôi chỉ với thiện tâm, muốn đưa Phật học Việt Nam đến chổ chân thật, bình đẳng, tuyệt vời, đúng với những gì đức Phật đã dùng tuệ lực soi sáng, trước khi Ngài mở lời dạy.

Vả lại, pháp chế định trong thế gian (tục đế), thì có thể tùy duyên, tùy thời, uyển chuyển, canh cải cho thích hợp với tư duy thời đại của con người, nhưng Pháp xuất thế gian (chân đế) là pháp không ràng buộc, bất biến, và hằng đúng của vũ trụ. Nó đúng không phải vì kinh nghiệm, tương đối, hă?ng đổi thay, mà nó đúng chỉ vì tiến trình của vạn vật uyên nguyên là như thế.

Nói cách khác, tục đế (hay pháp chế định do con người đặt ra) thì có thể bóp méo, canh cải, chế tạo ra sao cũng được, tùy trường hợp. Nhưng pháp chân đế nếu đem biến cải, cho hợp với nhãn quan phàm tình hay tâm lý mong đợi, ỷ lại tha lực vì lòng tham và biếng tu của người đời, thì đó là vô tình làm hại Phật Giáo, và dẫn nhân loại đi vào chổ mê tín, xem thường tội lỗi, tin tưởng vào tha lực siêu độ hoang đường mà thôi.

Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi dám xâm phạm đến ân đức độ đời của chư vị Bồ Tát, vì Bồ Tát là những gương sáng, hợp lại thành phẩm hạnh tuyệt vời của chư Phật.

Và để chứng minh, cũng như đề cao ân đức ấy, sau đây chúng tôi xin trình bày sơ qua 10 tuyệt hạnh Ba La Mật, hay còn gọi là Thập Độ Ba La Mật, của chư Bồ Tát, trước khi thành Phật, theo kinh điển Phật Giáo Nguyên Thủy. Chúng ta thử cùng nghiên cứu, hầu noi gương trong muôn một.

Mười hạnh Ba La Mật (Dasa Pāramitā), dịch là 10 pháp Đáo Bỉ Ngạn, hay (10 pháp siêu độ qua bờ khổ), mà một vị Bồ Tát cần thực hành tròn đủ, để thành Phật là :

1-Bố thí Ba La Mật (Dāna Pāramī)

2-Trì giới Ba La Mật (Sīla Pāramī)

3-Xuất gia Ba La Mật (Nekkhamma Pāramī)

4-Trí tuệ Ba La Mật (Paññā Pāramī)

5-Tinh tấn Ba La Mật (Viriya Pāramī)

6-Nhẫn nhục Ba La Mật (Khanti Pāramī)

7-Chân thật Ba La Mật (Sacca Pāramī)

8-Nguyện vọng Ba La Mật (Adhitthāna Pāramī)

9-Từ bi Ba La Mật (Mettā Pāramī)

10-Hỷ xả Ba La Mật (Upekkhā Pāramī)

Hai chữ "tròn đủ" mà chúng tôi cố ý gạch đậm trên đây, là để ám chỉ sự viên mãn tận cùng, không còn hạnh nào để tu thiện cao hơn nữa, trên con đường thực hiện 10 phẩm Ba La Mật của chư vị Bồ Tát, trước khi đắc quả Toàn Giác giải thoát.

Nêu đủ chi tiết ra cho dễ hiểu như thế, vì đó là thánh đạo siêu độ qua bờ khổ, gồm 3 bậc là bậc kia, bậc trênbậc vô thượng. (Chử "ngạn" trong nhóm từ "Đáo bỉ ngạn" ở đây tuy có nghĩa là "bờ" nhưng chúng tôi đề nghị nên hiểu như "bậc" để dễ diễn đạt hơn).

Nếu lấy 10 pháp siêu độ Ba La Mật ấy mà nhân cho 3 bậc, thì tất cả tròn đủ phải là 30 phẩm hạnh xuất thế. Xuất thế bằng cách tròn đủ nhập thế, cứu độ vô lượng chúng sinh trước khi giải thoát nhập Niết Bàn.

Bây giờ thử nêu pháp Ba La Mật đầu tiênbố thí ba la mật, để diễn tả làm điển hình như sau :

Một Bồ Tát thấy cảnh khốn cùng của sinh linh xung quanh, mà bố thí hết của cải lẫn vợ con, thì đó mới chỉ thực hiện được bố thí đến bậc kia mà thôi. Nhưng nếu Bồ Tát ấy thấy kẻ khác cần duy trì sự sống, mà bi mẫn phát tâm hoan hỉ bố thí đến cả những bộ phận trong thân thể của mình, như mắt, tai, mũi, tay, chân, da, thịt, gan, phổi, thận, gân, v.v... Nghĩa là sự bố thí chi thể, chưa đe dọa đến mạng sống, thì bố thí ấy chỉ mới đạt đến hạnh bố thí bậc trên. Còn bậc sau cùng là bố thí mà kết thúc mạng sống hiện tại, để sang kiếp khác tiếp tục phạm hạnh hy sinh nữa, thì đó là bố thí bậc vô thượng.

Đệ nhị Ba La Mật pháp là Trì giới cũng vậy. Nếu Bồ Tát trì giới (nghĩa là giữ gìn điều cấm, tránh làm việc ác), mà phải mất hết tài sản, vợ con, Bồ Tát vẫn trì giới, thì ấy mới chỉ là trì giới đến bậc kia. Và nếu Bồ Tát trì giới mà phải chấp nhận kẻ ác hành hạ, đàn áp đến thân thể, như sẽ bị chặt hết chân tay, lóc tai, xẻo mũi, v.v... Ngài cũng nhất định trì giới, thì gọi là trì giới đến bậc trên. Còn tột cùng là khi Bồ Tát trì giới mà phải mất mạng, vẫn tự tại, thản nhiên, vui vẻ trì giới, thì ấy là trì giới bậc vô thượng.

Trên đây, chúng tôi chỉ mạn phép trình bày đệ nhất và đệ nhị pháp Ba La Mật, là bố thítrì giới, mỗi pháp (hay mỗi hạnh) có 3 bậc như thế, hy vọng quí vị có thể dựa vào đó, suy diễn ra 8 pháp Ba La Mật còn lại, mỗi pháp theo 3 bậc..., thì quí vị sẽ có đầy đủ 30 pháp Ba La Mật, của một Bồ Tát đã, đang, và sẽ thực hành để viên mãn thành Phật.

Đối với khả năng phàm nhân như chúng ta, dĩ nhiên nhất thời khỏi phải nói đến tất cả 30 pháp Ba La Mật, chỉ cần một Ba La Mật nào "dễ nhất" thôi, chúng ta cũng đã cảm thấy thiên nan vạn nan, không biết đến kiếp nào mới làm tròn nổi rồi. Chưa kể yếu tố thời gian rất nhiều A-Tăng-Kỳ và trăm ngàn đại kiếp, để tu hành viên mãn, đối với người thường lại thật là dài thăm thẳm, có thể nói là vô tận. Nhưng đối với chư Bồ Tát, ấy mới chỉ là thời gian tạm đủ, để các Ngài vừa tu hành tiến hóa, vừa cứu độ tất cả những chúng sanh nào hữu duyên.

Giáo lý nhà Phật là một nền triết học thực tiễn, và là một khoa học hướng dẫn tâm linh hướng thiện, để áp dụng vào đời sống nhân loại hằng ngày. Mỗi pháp môn của đức Phật Thích Ca là một chìa khóa, mở cửa đi vào thánh vức thanh tịnh, dẫn đến nguồn ánh sáng trí tuệ, tiềm tàng nằm sẵn trong thức tánh của mỗi sinh linh, hầu mỗi hành giả có thể tự phá tung màng lưới vô minh, thấy rõ đâu là bờ thoát khổ.

Nếu kho tàng kinh điển có 84.000 pháp môn, thì 30 Ba La Mật pháp nằm trong số những pháp môn thực tiễn chính. Nó xứng đáng đại diện cho phẩm hạnh viên mãn của chư Phật, nhưng nó không phải là lý do để chấp trước, như một số người lầm lẫn bảo rằng "Tu pháp môn nầy thì cao hơn tu pháp môn kia", hay "Kinh nào Phật thuyết cho các hàng trí thức, thì sẽ giúp ích thành Phật giải thoát, nhanh chóng, rốt ráo hơn, kinh Ngài thuyết cho lớp bình dân", v.v...

Thực ra, chính kiến chấp của một số kẻ chủ quan, xem mình quan trọng, tự phong là "thượng căn", cảm thấy mình thuộc loại cao, phải tu theo những giáo lý siêu đẳng, "đại thừa", dù họ có thuận duyên bước vào nhà Phật, với dăm ba bài giáo lý "tinh túy" đi nữa, thì kiến chấp ấy tự nó vẫn có thể làm cho họ nhỏ lại, thấp xuống, và mắc dính, sa đọa.

Trái lại, không phải vì một người, hằng ngày chỉ nghe những pháp Phật bình thường, dễ hiểu, chưa "may mắn" nghe được những Phật pháp sâu xa, mà họ sẽ không hưởng được cái giá trị tuyệt vời, rốt ráo của Phật Pháp giải thoát.

Hoặc giả cũng có kẻ hiếm đủ "nhân duyên", được nghe những pháp Phật sâu sắc, do các hàng tôn sư danh tiếng thuyết lại, nhưng giờ phút nào cá nhân ấy còn ngã chấp vào sự "cao siêu" đó, rồi xưng tụng niềm tin của mình là "thượng căn", là "đại thặng", thì giờ phút ấy, họ hằng không tránh khỏi trở thành chật hẹp, vướng mắc, si mê.

Những nhà nghiên cứu Phật giáo khiêm nhượng, nghiêm chỉnh, hoàn toàn không đồng ý với sự phân biệt tông phái, danh xưng thấp cao trong đạo Phật, qua lăng kính học thức, giai cấp, tiểu đại, hay qua giai tầng xã hội, huyết thống.

Hãy nhìn vào sử tích Phật giáo gọi là "đại thừa" : Lục tổ Huệ Năng là người chẳng biết đọc, biết viết là gì ? Ngài đã chỉ là một tiều phu gánh củi, không là dân khoa bảng, hay triết gia thừa tài biện lý chi cả. Nhưng nhờ kết quả công phu tu hành nào, mà Ngài đã tỉnh ngộ sau khi chỉ nghe một câu trong kinh Kim Cương "Ưng vô sở trú nhi sinh kỳ tâm" ?

Sự liễu đạo trong chốc lác của Huệ Năng chắc chắn không phải là "tu nhất lúc, ngộ nhất thời", mà phải là kết quả của thật nhiều quá khứ viên tròn Ba La Mật. Giọt nước cuối cùng trong nháy mắt làm đầy cái chén giác ngộ, không có nghĩa là trong chén chỉ có một giọt nước thanh tịnh. Và giọt nước ấy đủ khả năng làm đầy cái chén. Xin chớ hiểu lầm sự thật nầy về đạo quả Phật giáo !!!

Ngoài ra, Phật ngôn cũng đã nói : Nếu biển là nơi tất cả sông suối trên mặt đất chảy vào, nhưng ở đó chỉ có một vị mặn duy nhất, thì giáo lý của đức Phật, tuy được diễn tả trong nhiều trường hợp khác nhau, cũng chỉ có một vị duy nhất là vị giải thoát.

Ai xưng mình là người học Phật mà nghĩ rằng : Có Phật Giáo loại "thượng căn" nầy giúp cho người học thức, hiểu mau, và được siêu độ về cực lạc, giải thoát, "cao cả hơn" Phật Giáo loại "hạ căn" kia, thì đó là một điều lầm lẫn, xưng tụng tự ngã vô cùng tai hại.

Trái lại, càng "học thức", càng nhiều khả năng biện thuyết "sâu xa", phức tạp, tạo được "kính phục" của đông người bao nhiêu, thì chấp kiến, hay sở tri chướng của họ càng nặng nề, sa đọa bấy nhiêu. Thực ra, cái gọi là "hiểu thấu giáo pháp" của "học thức triết lý" ấy vốn chủ quan biện luận, dựa trên cầu kỳ phân tích tâm cơ, dẫn đến vướng mắc tư duy, nhiều hơn là pháp học của những tâm hồn giản dị, chuộng thực hành, đắc được Thánh Pháp qua tuệ giác trực tiếp, chỉ nhờ hạnh thản nhiên hành đạo.

Nếu dựa vào kinh điển mà nói, thì chỉ có luân hồi trong lục đạo tam giới, thì mới có cảnh thấp cao, lớn nhỏ, vì tham sân si vẫn còn, và bị ngã mạng, vô minh dẫn dắt. Chứ khi đã thanh tịnh giác ngộ, vượt ra khỏi cố chấp luân hồi rồi, thì quả Phật giải thoát chỉ có một phẩm duy nhấtbất sinh diệt, và tuyệt đối không còn so với sánh, cao với thấp, tiểu với đại, hợp với tan, nối liền với những mạn lưới vô minh, chứa đầy vọng tưởng, tương duyên phiền não !

Một lần nữa, chúng tôi xin chân thành lưu ý quí vị : Dù chúng ta có thận trọng diễn đạt đến đâu, ngôn ngữ vốn rất dễ sai lạc và hạn chế. Nó chỉ để truyền thông tương đối giữa con người với con người mà thôi. Dẫu cách hành văn của một ngòi bút có sắc bén, khéo léo như thế nào, cũng chỉ để trình bày một số vấn đề, trong một hoàn cảnh, hay thời gian, không gian nào đó. Sai lạc qua ngôn ngữ phải hằng xem là một điều khó có thể tránh. Nhưng chúng ta cố gắng để nếu bị sai lạc thì kịp thời biết, hầu phục thiện đúng lúc.

Sau cùng chúng tôi phải tạm dùng nhóm từ sau đây để biểu lộ sự mở toang tri kiến, trong các tư tưởng tôn kính, đối với các đấng Bồ Tát tiến lên Toàn Giác, siêu xuất tam giới rằng :

- Phật và Bồ Tát là những đấng vô song như thế.Xin chớ hiểu lầm, và xin chớ làm cho thế gian mê tín, hiểu lầm, xem các Ngài là những thần linh, ngồi nhận lễ vật để ban phước xá tội !



[ Trở Về ]
 
Mục Lục

Lời nói đầu

Chương một : Nghiên cứu Phật Giáo Nguyên Thủy

 
I- Hoàng Địa : Suvannabhùmi
II- Về cái tên Phật Giáo Nguyên Thủy
III- Phật Bảo là nền tảng của pháp Bảo và Tăng Bảo
Chương hai : Thuyết Nghiệp Quả

1/ Thập nhị Nhân Duyên
2/ Ba thời
3/ Ba nối tiếp
4/ Hai mươi sức đẩy
5/ Bốn hướng trình
6/ Ba chuyển vận
7/ Hai căn gốc

Chương ba : Lý nhân quả và ảnh hưởng văn hóa

Phụ lục 1 : Thực tập thiền tâm
Phụ lục 2 : Vài bài thơ đạo