Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ ]

 
Phật Giáo Nguyên Thủy

Thuyết Nghiệp Quả

Tuệ Lạc (Nguyễn Điều)

(Kỷ niệm Đản Sinh, Thành Đạo, và Nhập Niết Bàn
của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni. PL.2550, DL.2006)

Xin đóng góp kết quả nghiên cứu Phật Pháp nầy vào kho tàng văn hóa dân tộc VN, nhất là kính dâng phước lành biên soạn đến cha mẹ, thầy tổ, cùng những ân nhân của soạn giả.

***
Thân mến cám ơn quí vị, có tên sau đây, đã hợp tác trực tiếp hay gián tiếp, trong các việc đánh máy, chữa lỗi chính tả, góp ý kiến, vẽ đồ biểu, và sắp xếp, "trình bày ra trang"(mise en page), chỉ trong thời gian ngắn, một bản thảo khiêm nhượng, đã trở thành cuốn sách mẫu. Đó là các anh chị : BS. Nguyễn Tối Thiện , Đinh Thị Oanh, Vợ chồng Hồng & Thảo, Đinh Bửu Quang, Bạch Vân, Cathy Lieou Fang Tsai, Lê Quí Hùng, Nguyễn Duy Sở , và (người bạn đời của soạn giả) -Lưu Huệ Trinh.

Nguyện cho tất cả chúng sinh hằng an vui, thanh tịnh, hạnh phúc, và được giải trừ mọi oan trái.

Soạn giả
(Ivry Sur Seine 15/04/2006)

 
 
Lời nói đầu

Lễ Tam Hợp hằng năm (nhằm ngày rằm tháng tư Âm lịch), là dịp kỷ niệm 3 thời điểm lịch sử : Đản Sinh, Thành Đạo, và Nhập Niết Bàn của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni.

Đối với các cộng đồng Phật tử VN nói riêng, và mọi cộng đồng Phật tử trên thế giới nói chung, Lễ Tam Hợp nầy rất quan trọng. Nhất là những người tin Phật theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravāda).

Riêng rằm tháng tư Âm Lịch năm nay lại đánh dấu Phật lịch 2550, một con số nguyên mang nhiều ý nghĩa đáng ghi nhớ. Nhất là đáng ghi nhớ trong tinh thần bảo vệ và phát huy Phật giáo. -Chú ý, nếu chúng ta muốn biết ngày Bồ Tát Sĩ Đạt Ta ra đời cách hiện tại bao lâu, chúng ta chỉ cần lấy Phật lịch 2550 (tức kể từ ngày Phật nhập Niết bàn) cộng với 80 (tuổi thọ đức Phật), chúng ta sẽ có ngày Đãn Sinh quí báu ấy cách nay 2630 năm.

Quay lại nhóm từ "ý nghĩa đáng nhớ" : Ý nghĩa thứ nhất là giáo lý đức Thích Ca Mâu Ni có tuổi thọ 5000 năm, mà từ ngày Phật nhập Niết Bàn đến giờ (5/2006), thời gian đã trôi qua 2550 năm, tức là chúng ta đang sống trong giai đoạn hơn phân nửa tuổi thọ của Thích giáo đã qua rồi.

Người tin kính Tam Tạng kinh điển của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni (gồm 84.000 pháp môn) làm sao tránh khỏi chợt nghĩ rằng : Còn 2450 năm nữa sẽ đến 5000 năm (mãn thời tín lý), lúc ấy Phật GiáoThích Ca sẽ hoàn toàn không còn trên thế gian nầy. Cho dù sau giáo lý đức phật Thích Ca, thì sẽ tới giáo lý đức Phật Di Lạc. Nhưng nói đến ơn ích của giáo lý một vị Phật tương lai cách hiện tại còn những 24 thế kỷ rưỡi, là một điều xa vời thực tế, so với kiếp sống của con người, đa số không đạt đến tuổi thọ 100 năm.

Ý nghĩa thứ hai, người tu Phật khi tưởng niệm đến Đức Thích Ca Mâu Ni, đại bi cứu khổ, đã để lại cho đời nay một thánh đạo giải thoát, mà mình đang thụ hưởng thiện quả. Nếu chúng ta muốn tỏ lòng tri ân, thì không còn làm gì khác hơn, là cố gắng soi sáng, xiểng dương và bảo vệ giáo lý trọn lành nầy.

Nói cách khác, là nếu hiện tại chúng ta đang được an vui, hạnh phúc, thăng tiến dưới mái chùa, hay ở tại gia, nhờ ánh sáng của đấng cha lành Thích Ca lịch sử, cũng như nhờ giáo lý của đấng Cha Lành Toàn Giác Pháp Thân, thì không vì một lẽ gì chúng ta lại có thể sống hằng ngày, hằng giờ, hay hằng phút, bằng thân, khẩu, ý, thường xuyên xưng tụng một hồng danh Phật hiệu nào khác, dù chúng ta giỏi biện luận, hay "triết học" cao siêu đến đâu. Người tu Phật xứng đáng, trước tiên là người có hạnh chân thành biết ơn nguồn gốc cao thượng, đang đem lại hạnh phúc lành mạnh, tiến hóa, trong hiện tại cho mình.

Ý nghĩa thứ ba là giáo lý của một vị Phật xuyên qua thời gian, rất có thể bị "hiểu biết" dị biệt, dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Những góc cạnh nầy lắm khi đưa đến thiên lệch, méo mó, tăng cường tình trạng suy giảm phẩm cách giáo pháp, gây thiệt thòi, mất mát cho các thế hệ con em tin Phật về sau. Như có hai câu thơ của một thi sĩ nào đó đã nhắc :

"Lòng gần đạo Phật mà buồn ;
E rằng suối đã rời nguồn quá xa". (nhn).
Trên đây là lý do tại sao, nhân kỷ niệm rằm tháng tư năm nay (dl 2006), Phật lịch 2550, với tấm lòng muốn báo ơn muôn một, Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni, chúng tôi đã thành tâm tập hợp những bài viết đó đây, và nhiều đoạn pháp thoại, được trình bày trong phòng họp của nhóm "Nghiên Cứu Vi Diệu Pháp" (Abhidhamma) quận 13, Paris, Pháp Quốc, do Bác sĩ Nguyễn Tối Thiện tổ chức, rồi đánh máy, sửa chữa, và ấn tống cúng dường đấng Trọn Lành Từ Phụ.

Mặt khác, làm như vậy, chúng tôi cũng để nhắc nhở cho mình, cùng chư đồng đạo, cố gắng dùng tuệ giác hướng về nguồn gốc bình đẳng, của Phật Giáo Nguyên Thủy.

Riêng các phần pháp thoại vừa nêu, vốn nằm trong một chủ đề Phật học nòng cốt là Thuyết Nghiệp Quả, nên chương hai, sưu tập Thuyết Nghiệp Quả dưới 7 dạng, cũng được coi là trọng tâm của soạn phẩm nầy.

Trong tập sách, chúng tôi lại cống hiến thêm, đến chư độc giả tu Phật xa gần, một đề tài phổ thông, đáng soi sáng nữa, là "Lý Nhân Quả Qua Ảnh Hưởng Văn Hóa". Hy vọng cả 3 chương, hợp thành soạn phẩm, sẽ giúp ích cho chư đạo hữu phần nào trong việc nghiên cứu Phật học.

Tưởng cũng cần nhắc lại rằng, ngôn ngữ vốn là một phương tiện không hoàn hảo, để chuyên chở những tư tưởng, hay kiến thức trừu tượng cần chia xẻ, và khó hy vọng được thấu hiểu chính xác. Nên sau khi xem xong tuyển tập, quí độc giả có thể có sự bất đồng ý kiến, hay tìm ra một số sơ sót trong phần diễn đạt, chúng tôi xin sẵn sàng đón nhận sự góp ý xây dựng của quí vị.

Chân thành cám ơn trước.

Nay kính.
Tuệ Lạc (Nguyễn Điều)
Mục Lục

Lời nói đầu

Chương một : Nghiên cứu Phật Giáo Nguyên Thủy

I- Hoàng Địa : Suvannabhùmi
II- Về cái tên Phật Giáo Nguyên Thủy
III- Phật Bảo là nền tảng của pháp Bảo và Tăng Bảo
Chương hai : Thuyết Nghiệp Quả

1/ Thập nhị Nhân Duyên
2/ Ba thời
3/ Ba nối tiếp
4/ Hai mươi sức đẩy
5/ Bốn hướng trình
6/ Ba chuyển vận
7/ Hai căn gốc

Chương ba : Lý nhân quả và ảnh hưởng văn hóa

Phụ lục 1 : Thực tập thiền tâm
Phụ lục 2 : Vài bài thơ đạo


[ Trở Về ]