Người Cư Sĩ          [ Trở Về        [ Trang Chủ   ] 

Thơ Đạo
Chấp chi...
Chấp chi "sinh" để rồi vui
Chấp chi "tử" để ngậm ngùi tiễn nhau
Tử sinh vốn một cơ cầu (1)
Chào đời, nhắm mắt...trước sau xoay vần
***
Chấp chi "hợp" để rồi mừng
Chấp chi "tan" để lòng rưng rưng buồn
Hợp tan vốn chỉ một tuồng (2)
Chia tay là mở đoạn đường tiếp theo
***
Chấp chi "đẹp " để mà yêu
Chấp chi "xấu" để lắm điều chê bai
Đẹp hay xấu chỉ bề ngoài
Bên trong ô-trược ai hoài thích luôn
***
Chấp chi "có" để rồi vương
Chấp chi "không" để trăm đường kiếm thêm
Có không vốn chỉ một niềm
Không xen với có túi viêm (3) chẳng đầy
***
Chấp chi "thường"  (4) để mà tin
Chấm chi "tạm bợ" để nhìn bi quan
Thường hay tạm vốn chung hàng
Cả hai thiên kiến (5) hoang mang kéo dài
***
Chấp chi 'chánh' để mà cao (6)
Chấp chi 'tà' để rơi vào thấp, che
Chánh tà như tấm màng the
Bên ni rộng khác bên tê chỗ nào (7) ?
***
Chấp chi 'vinh'* để rồi tôn
Chấp chi 'nhục'* để tủi hờn bản thân
Nhục vinh, hai nẻo phong trần
Chết rồi chỉ một mộ phần...dễ quên.
TL 
(15-8-2007)
____________________________________________________________________ (1) Cơ cầu : Động cơ hình tròn, ám chỉ cái trứng thụ thai, bắt đầu 1 kiếp sống.
(2) Một tuồng : Như các nhân vật trong vở kịch tái diễn, hiện ra rồi biến mất.
(3) Túi viêm : Túi không đáy, vì nóng sưng và phồng to.
(4) Thường : Vĩnh hằng, trường cửu, hay 'sống mãi', ám chỉ thiên đàng do lòng tham mơ ước, tưởng tượng ra, rồi tin tưởng tuyệt đối.
(5) Thiên kiến : Thấy và hiểu lệch, rồi tin lầm, tương đương với tà kiến.
(6) Mà cao : Ngã mạn, tự cao, tự đại, cho rằng ta 'chánh' là đúng, nên khinh rẻ người khác 'tà', sai lầm.
(7) Rộng...chỗ nào : Ám chi hễ chấp trước là trở thành đóng khung, chật hẹp, dù cho đó là chấp trong 'chánh pháp'.
**Vinh nhục vì giai cấp, vinh nhục vì thành đạt, hay vinh nhục vì công trình hành động, vốn cũng chỉ là một loại chịu đựng. Tôn danh hay bia miệng dù có kéo dài 1 thời gian, tất cả rồi cũng sẽ rơi vào lãng quên.

 
 
 
 
 
 
 
 

 

Giọt mưa...
trước con mắt 'Thiền'.
Giọt mưa rơi trên lá
Giọt mưa rớt bên thềm
Tất cả đều không lạ
Tất cả từng...thân, quen.
***
Giọt mưa tan trên đất
Giọt mưa bay giữa trời
Kiếp không lo....còn, mất
Đồng dạng khắp nơi nơi.
***
Giọt mưa từ thể lỏng
Bốc thành khí, thành hơi...
Khí loãng...thì hơi mỏng
Nên mây nhẹ muôn đời.
***
Mây lang thang vạn ngả
Gặp...hàn, nhiệt phong lôi...
Thân vô thường tự rã...
Thành tuyết, hay nước...rơi.
***
Mưa nhiều xoi thành suối
Suối lớn hóa thành sông...
Nắng mưa là...nguyên khởi
Cho mực nước long đong.
***
Giọt mưa ngọt, rồi mặn...
Nuôi hết thảy muôn loài
Trong biển sâu, đáy thẳm
Lẫn mặt đất nắng soi...
***
Giọt mưa nào cũng sạch
Giọt nào cũng mát, tươi
Sạch, mát...muôn ngàn cách
Luôn hữu dụng cho đời
***
Giọt mưa như mặt đất
Ôm ấp cả muôn loài
Sạch, dơ...không phiền, chấp
Chỉ biết 'phục vụ' thôi.
***
Phật dạy pháp nhẫn nhục
Như đất, như nước trôi
Bị dơ không bức xúc
Được sạch chẳng reo cười.
***
Tượng trưng cho pháp xả
Là...đất, nước....nhớ hoài !
Đất 'dơ' làm...xanh mạ (1)
Nước rửa sạch sắn khoai. (2)
***
Kiếp dành cho sinh vật
Đủ nhu cầu tốt, tươi
Đất, nước...được hay thất
Mười phen...xả đủ mười. (3)
***
Ngoại thân....hình giọt nước,
Trong thân, ấy mồ hôi
Và các chất...thanh, trược
Nhờ nước dung giải thôi. (4)
***
Nước cùng... đất, lửa, khí (5)
Hợp thành sắc thân rồi
Tánh nước là nối kỹ (6)
Những tế bào sinh sôi.
***
Khi danh pháp đã tận (7)
Thì sắc pháp rã rời....8)
Thân người dần tiêu tán
Nước trở về muôn khơi.
***
Giọt mưa là hiện thể
Của "thủy đại" vô nơi,
Nên pháp hành cũng thế (9)
Chẳng tử, chẳng sinh thời.
***
Ngàn năm nước vẫn chảy
Ngàn đời nước vẫn trôi
Giọt mưa người luôn thấy
Từ giữa khoảng không rơi.
 
Tuệ Lạc.
 (Champigny một buổi chiều 
nhìn giọt mưa rơi 19-08-2007)
____________________________________________________________________
 (1) Ý nói bón phân vào trong đất, để mạ  (hay cây cối) tốt thì đất phải dơ.
(2) Sắn khoai được rửa sạch trong nước, thì nước phải đục, dơ.
(3) Ý nói đất và nước luôn luôn có pháp XẢ, bị  làm dơ, làm sạch gì cũng được.
(4) 'Hóa giải'là nước có tác dụng làm tan các thứ dơ, làm loãng mọi chất độc..v.v...
(5) Đất, nước, lửa, và khí  (=Thủy, Hỏa, Thổ, Phong), Phật Giáo gọi là Tứ Đại.
(6) Tánh của nước là làm dính các vật nhỏ hay cực vi lại.
(7) 'Danh pháp'là phần tâm linh, sức sống, hay bốn 'uẩn'  (thọ,tưởng,hành,thức).
(8) 'Sắc pháp' ám chi vật chất, hay phần thể xác của một con người.
(9) 'Pháp hành'ám chỉ toàn bộ diễn tiến của một hiện hữu có chu kỳ.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

Pháp của hoa
 (là Như Không)


Nụ hoa nầy đang nở
Nụ hoa kia đang tàn
Cành hoa không mừng rỡ
Cội hoa chẳng buồn than.

***
Hoa tự nhiên vô sự
Chỉ loài người đa đoan
Nở đem cắm bình sứ
Tàn lại vất vườn hoang.
***
Hoa mọc giữa đồng cỏ
Hoa lớn trong rừng cây
Hạt hoa bay theo gió
Tự do như nước mây.
***
Dân nghèo, hoa chậu đất
Trưởng giả, hoa bình vàng
Cả hai chỉ một vật
Hoa chẳng thấy hèn, sang.
***
Hoa hôi không thấy thẹn
Hoa thơm chẳng thấy kiêu
Hoa thản nhiên toàn vẹn
Chẳng phiền vướng lắm điều.
***
Trong cuộc đời sinh diệt
Hoa đa dạng nhiều màu
Có vẻ nào siêu việt
Hơn sắc đẹp hoa đâu ?
***
Nhưng hoa luôn vẫn thế
Nở trước để tàn sau
Trước sau cùng một thể (1)
Chấp chi chuyện bể dâu ?
***
Ai trước sau phân biệt
Với hoa vốn như nhau
Ngày hay đêm chỉ biết
Sáng tối để tùy vào.
***
Sáng thì nương theo sáng
Tối thì tìm ánh sao
Sáng tối quân bình loãng (2)
Cho tĩnh động thoa giao.
***
Giao thoa, nguồn sinh động
Cho vũ trụ vần xoay
Thuận và nghịch cùng sống (3)
Để vạn vật có hoài
***
Kìa bụi hoa nhỏ nhỏ
Mọc trên mộ ven đường
Khách dừng chân đứng ngó,
Ngôi mộ bớt cô đơn !?
***
Nhân sinh thường nghĩ thế
Nhưng Hoa chẳng 'phân trần'
Miễn sao hoa có thể
Tạo vui đến thế nhân
***
Tạo vui là vẹn ý
Là kiếp đáng luân hồi 
Từ vô chung vô thỉ
Chỉ một pháp Không thôi !
 
 
TL 
(20/8/2007)


 (1) Pháp hành chỉ có một thể, nhưng khi chấp thì có thể trước và thể sau.
(2) Bóng tối không phải là một hiện tượng bất lợi, mà là một lực quân bình, để làm loãng bớt sự 'đốt cháy' của những quang tử trong ánh sáng.
(3) Thuận và nghịch sinh ra từ lòng tham trong tâm thức con người, thì cái nầy tiêu diệt cái kia. Nhưng thuận và nghịch của bộ máy vũ trụ thì cái nầy hổ trợ cho cái kia, nên gọi là 'cùng sống'.

 
 

  [ Trở Về ]