Người Cư Sĩ          [ Trở Về ]

Mạn đàm về sự sợ hãi trong tôn giáo
Tâm Hiền TTC


Có lẽ ai cũng đồng ý rằng niềm tin tôn giáo phát sinh từ lòng sợ hãi. Con người thời xa xưa khiếp đảm trước một tiếng sấm sét vào một đêm hôm tăm tối, hay trong một trận cuồng phong cuốn đi mất nơi trú ẩn mong manh của mình, đã nhận chân rõ tất cả sự bấp bênh của cuộc sống. Hay trước những cơn bệnh hiểm nghèo giết đi sự sống quí báu của người thân yêu, con người thấy rõ sự bất lực của mình, đành chấp tay lạy những viên đá vô tri, lâm râm khấn nguyện trước những vị thần theo trí tưởng tượng của mình, thần sấm sét, thần sông núi, thần đá...Theo đà phát triển của xã hội loài người, cái hình thái đơn giản chấp tay cúi lạy những bấp bênh của vũ trụ được tổ chức thành những nghi lễ phức tạp hơn nhiều, thay đổi theo nhiều hình thức văn hóa khác nhau. Nhiều tôn giáo bắt đầu phát sinh từ một động lực sơ khởi như thế, dần dần được tinh vi hóa bằng những phát triển phức tạp của trình độ tri thúc của nhân loại.

Phật giáo từ mấy ngàn năm trước cũng phát sinh từ động lực sợ hãi như thế, nhưng cách giải quyết để dứt bỏ khổ đau và sợ hãi không giống các tôn giáo khác trên rất nhiều khía cạnh. Do sự bùng nổ thông tin cận đại và hiện đại, nhất là thông tin trên mạng lưới "Internet", triết lý Phật Giáo được rao truyền giảng giải không những bởi các vị cao Tăng mà còn bởi rất nhiều cư sĩ học giả nổi tiếng trên khăp thế giới. Nói riêng Kinh và Luận bằng Việt ngữ mà thôi, có lẽ một Phật tử ham đọc sách có thể đọc suốt đời cũng không hết, nói gì đến Tam Tạng kinh điển bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Do vậy, ta không sợ thiếu kinh sách để tu học mà có lẽ đáng sợ ở chỗ người tu học chọn không đúng hay quá nhiều lượng thông tin sẽ bị "tẩu hỏa nhập ma" nếu không được hướng dẫn bởi một vị cao Tăng .

Cho nên bài viết này không dám nhằm làm sáng tỏ bất cứ một pháp môn nào trong đạo Phật, chỉ mong san sẻ với bạn đồng tu, với các bạn Phật tử xa gần , mà do lượng thông tin hiện nay đã thấu hiểu phần lớn về côt tủy của đạo Phật , một ít ý niệm, một ít cảm tính đơn giản về việc hành trì Phật Pháp của người cư sĩ : đó là thử bàn về sự sợ hãi trong việc tu học của chúng ta.

A. Trước hết thử bình tâm suy nghĩ lại một vài dữ kiện :
1. Khi đối diện với một hoàn cảnh hiểm nghèo, có phải Phật tử chúng ta thầm niệm Nam Mô Quán thế âm Bồ Tát ( 99 hay 100%) . Nếu ai không công nhận sự thật này, xin đừng đọc tiếp bài này.

2. Dẫu hành trì Phật Giáo trong nhiều năm, hiểu rõ Địa ngục hay Niết bàn cũng là đây, ta có thể thiết lập Tịnh độ ngay trong cõi đời này, ngay trong giây phút hiện tại ...., thế nhưng có phải đa số chúng ta khi trong gia đình có người đau ốm, ta thiết lễ cầu an để cầu xin các vi Bồ tát giúp cho tai qua nạn khỏi ; và nếu có người thân tạ thế, ta thiết lễ cầu siêu để cầu xin đức A- di- đà rước về cõi Tịnh Độ.

3. Có bao nhiêu phần trăm Phật tử đạt đến trình độ bố thí không cầu được, hành thiện không mong được đền bù ? Hay là đa số chúng ta hành thiện là có ý cầu xin giải trừ oan khiên bệnh tật trong gia đình hay là tạo phúc đức cho đời sau ? Xin đọc tiếp nếu quí vị thuộc vào đa số này. Vài dữ kiện trên đây cho ta thấy là trước sự bấp bênh vô thường của cuộc nhân sinh, sự sợ hãi vẫn là cái duyên đầu tiên đưa một người bình thường (tôi không dám đề cập đến các siêu nhân) về với tôn giáo, vẫn là con thuyền giúp ta tiếp tục hành trì tôn giáo,vẫn là nguyên nhân thầm kín giúp ta hành thiện.

B. Như vậy Tha lực của Phật tử chúng ta là ai và ở đâu ?
Thông thường " có bệnh thì vái tứ phương ", nhưng đức Phật lại dạy là mỗi người phải tự thắp đuốc lên mà đi, tự tu hành mà cứu lấy mình. Ngay cả ngài A Nan cầu Phật ban phép Tam Muội còn không được thay, huống hồ là chúng ta. Tuy vậy ta vẫn có Đức Cứu khổ cứu nạn Quán Thế Aâm Bồ Tát, ta vẫn cầu Ngài Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật, ta vẫn tụng Ngài Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật ... sự cầu nguyện đó phát tự trong tâm của chúng ta, băụng tấm lòng thành khẩn của chúng ta, bằng tất cả đức tin tuyệt đối của chúng ta, đã mang lại cho chúng ta một niềm an ủi vô biên, rằng ở đâu đó, trong hư không vô tận, có một năng lượng nào đó có thể tức thời vớt chúng ta ra khỏi những đau khổ triền miên, có những tha lực sẵn sàng đến với chúng ta hóa giải những phút cô đơn tột cùng trong kiếp nhân sinh. Các " Ngài" đó ở đâu, Tây phương hay Đông, Nam Bắc, Thượng Hạ phương hay chính trong Tâm ta, nào có quan trọng gì, miễn là các "Ngài" có đó, hiện hữu, mà ta có thể tâm sư, chuyện trò , cầu xin.. là đủ rồi.
C. Ta làm gì để gặp được Tha lực ?
Hãy tưởng tượng đến chiếc máy radio hay truyền hình hiện nay. Ở các thế kỷ trước, con người khó nghĩ ra rằng ta có thể nghe hay nhìn một ca sĩ ở xa hàng vạn dặm. Giọng ca bàng bạc trong không gian, giống như các "Ngài" tha lực đang " du hí thần thông ". Bỗng nhiên ta bắt gặp tần số, nghe giọng oanh vàng. Tần số nào trong ta có thể bắt gặp "Ngài" Quán Aâm đang lắng nghe tiếng kêu cứu thống thiết của chúng sinh. Phải chăng chính là loại tần số " biết lắng nghe", tập lắng nghe chính nỗi sợ hãi của mình cũng như của tất cả chúng sinh, tập quán niệm nỗi khổ của chính mình cũng như của tất cả chúng sinh, đó là loại tần số tu học, là loại tần số hành thiện (Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo). Tần số đó của ta sẽ bắt gặp tần số của "Ngài",cả hai cùng hát bài ca "cứu khổ"và đương nhiên ta thoát khổ. Đó là sự liên hợp bất phân chia giữa Tự lực và Tha lực, giữa Phật ở ngoài và Phật ở trong ta, để đập tan sự sợ hãi ám ảnh suốt kiếp nhân sinh.
D. Lợi tha và Tha lực :
Sau khi lắng nghe sự sợ hãi của chính mình và của người khác, nỗi đau khổ của chính mình và của chúng sinh, ta phát sinh ý muốn hành động, ta hành động để chấm dứt sự sợ hãi cho kẻ khác, ta hành động để làm vơi đi nỗi khổ của kẻ khác; ta lúc đó chính là Tha lực, là " Ngài" của một kẻ nào đó, một chúng sinh nào đó đang đau khổ và đang cầu xin; đó chính là sự chuyển biến năng lượng sợ hãi trong ta (có tính chủ quan) thành năng lượng cứu độ ( có tính khách quan) và do hiện tượng phản hồi , Tha lực cứu độ mà ta chấp tay cầu xin có thể trở lui xóa bỏ sự sợ hãi hay nỗi khổ đau trong ta.
E. Động lực tích cực của sự sợ hãi :
Lý luận như trên đã gọi là "hàn lâm hóa" vấn đề tu học của đa số quần chúng Phật tử mới tập tểnh trở về với Đạo; sao ta không giản dị hóa vấn đề là hãy giữ sự sợ hãi như là một động cơ để ta cầu nguyện, để ta hành thiện, chuyển hóa năng lượng sợ hãi thành những động cơ để đến với Đạo lúc sơ khởi, để tiếp tục hành trì tu tập trong suốt đời với câu kinh giản dị " thề tránh việc ác, nguyện làm việc lành ". Cái duyên sợ hãi có thể dẫn ta đến với Ngài Quán Thế Aâm Bồ Tát trong việc quán niệm " Ngũ uẩn giai không " để mà diệt trừ mọi khổ ách. Trong các pháp bố thí trong Phật Giáo, không có gì quí hơn là "Vô úy thí", bố thí sự không sợ hãi, bài viết này, vài ý kiến tản mạn trên đây có thể bị các vị học giã hàn lâm chê trách là có thể hướng người tu học đến chỗ vô minh, không tạo cơ hội để họ hiểu biết những triết lý rốt ráo cao siêu của Đạo Phật. Xin nhận lỗi về sự chê trách đó, nhưng cũng xin biện hộ đôi lời rằng hãy tưởng tượng con người bình thường mà gieo nhân không hề sợ quả báo, giết người mà không sợ đền tội, dối gian, trộm cắp mà không sợ luật pháp...thì xã hội con người sẽ ra sao. Vậy trong lúc chờ đợi đến ngày ta quán triệt những vi diệu của triết lý "Chân không, Diệu hữu" của kinh Bát nhã, hay làm sao " an trụ tâm" của Kinh Lăng nghiêm cùng với vô số triết lý cao siêu khác của Phật học, sao ta không " khế lý, khế cơ " bằng cách bắt đầu bằng những gì giản dị nhất của tâm lý con người để đến với Đạo và hành trì Đạo và để cầu nguyện Tha lực giúp ta dũng mãnh bước qua những thử thách trên đường tu học. Xin kết luận bài này bằng chính sự sợ hãi của người viết rằng, cho dù viết ra với tất cả thiện tâm, nếu vài lời thô thiển trên đây mang lại những ý nghĩa sai lạc về Đạo Phật thì xin cầu xin Mười Phương Tam Bảo tha thứ cho và xin thành tâm sám hối.
 
Tâm Hiền TTC


 [ Trở Về ]