Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang Chủ]


Ðại Tạng No. 1451

CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
- Mùla-Sarvàstivàda -

TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ
- Mùla-Sarvàstivàda Vinaya Ksudraka Vastu -
(Cuộc đời đức Phật và các đệ tử)

Hán dịch: Tam Tạng Nghĩa Tịnh, đời Ðường, Trung Quốc
Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh, PL 2542 - TL 1998

 
Thành kính đảnh lễ đức Thế Tôn, Ngài là bậc Ứng Cúng, Ðấng Chánh Biến Tri.

Quyển thứ ba

--- ooOoo ---

Thái tử Vị Sanh Oán đi vào nhà Trưởng giả Hỏa Sinh, thấy ngọc báu đẹp nên lén lấy đưa cho tùy tùng, khi vào trong nhà bảo họ:

- Hãy đưa châu báu lúc nãy cho ta.

Tùy tùng mở tay ra chỉ thấy tay không, nên đáp:

- Không biết châu báu đi đâu mất!

Thái tử giận đánh người tùy tùng. Hỏa Sinh nói:

- Họ bị giận đánh vì tội gì vậy?

Ðáp:

- Ta là giặc nhỏ, nó là giặc lớn. Ta lén lấy bảo châu trong nhà khanh, bị kẻ tiểu nhân này trộm lại.

Hỏa Sinh nói:

- Không phải thái tử trộm cũng chẳng phải kẻ kia cắp. Sau khi thái tử lấy, vật ấy lại trở về chỗ cũ. Thưa thái tử! tài sản trong nhà thần là vật của thái tử, cần bao nhiêu tùy ý lấy mang đi, vì sao lén lấy?

Thái tử im lặng suy nghĩ: "Sau khi cha ta qua đời, ta sẽ lấy tất cả".

Khi Vị Sanh Oán bị bạn ác là Ðề Bà Ðạt Ða xúi giục, phản nghịch giết hại phụ vương, tự xưng là quán đảnh đại vương, làm chủ nước Ma kiệt đà, bảo với Hỏa Sinh:

- Khanh là em ta, hãy cùng nhau phân chia tài sản.

Hỏa Sinh suy nghĩ: "Kẻ giết người cha anh minh của mình để tự lên ngôi, lẽ nào lại dung thứ cho ta! Nay ác vương này muốn đoạt nhà cửa của ta, nên đồng ý trước". Suy nghĩ xong, Hỏa Sinh bảo:

- Ðại vương, trước đây thần đã có ý dâng hết nhà cửa tài sản cho ngài, vậy còn phân làm gì, cầu xin đại vương đến ở trong nhà của thần, thần đi đến vương cung, mong ngài chấp nhận.

Vua phán:

- Lành thay! làm theo ý khanh.

Nhà vua chuyển Hoả Sinh vào vương cung, những vật tốt đẹp đều chuyển theo vào trong cung. Di chuyển qua lại như vậy đến bảy lần, vật tốt vẫn theo Hỏa Sinh, vật xấu theo sau nhà vua.

Bấy giờ, vua Vị Sanh Oán suy nghĩ: "Ta không thể lấy được vật báu của Hỏa Sinh, hãy làm thủ thuật khác để lấy cho được".

Nhà vua bảo kẻ trộm:

- Ngươi hãy vào nhà Hỏa Sinh lấy trộm bảo châu.

Người kia nghe lời, làm móc sắt trèo lên tường muốn vào nhà. Người nhà trông thấy, gọi lớn: "Có trộm có trộm." Hoả Sinh nghe nói, ý không muốn cho trộm đi, nên bảo:

- Hãy giữ trộm lại.

Tên trộm bị dính chặt trên đầu tường, không thể leo xuống được. Ðến sáng, mọi người cùng lại xem, hỏi:

- Vì sao ngươi đến đây?

Ðáp:

- Nhà vua sai tôi đến trộm vật báu của Hỏa Sinh.

Mọi người đều tức giận, cho rằng:

- Ðấy chính là kẻ ác, đã giết oan vua pháp vô tội, nay còn sai trộm đến đoạt ngang tài sản của người. Tội lỗi này quá sâu, làm sao tha thứ được.

Nhà vua nghe sự việc như vậy, sai sứ giả đến gặp Hỏa Sinh nói:

- Hãy thả người ấy ra không được làm hại.

Khi Hỏa Sinh muốn thả nên bảo tên giặc hãy đi đi. Tên ấy liền được thoát. Hỏa Sinh suy nghĩ: "Kẻ kia có thể giết cha mình, thật không có chuyện không hại ta, lẽ nào vì tài sản mà bỏ mạng hay sao? Vã lại trước đây ta đã được Thế Tôn thọ ký xuất gia tu tập trong giáo pháp của Ngài, đoạn trừ các hoặc, chứng quả A-la-hán. Vậy ta nên bỏ tục xuất gia, đem tất cả tài bảo trong nhà bố thí hết cho người cô độc đi xin, làm những người nghèo khổ đều được sung túc". Sau khi từ giã thân bằng quyến thuộc bạn bè xong, trưởng giả Hỏa Sinh đến gặp đức Phật, lạy sát chân Ngài, ngồi qua một bên chắp tay cung kính bạch:

- Thế Tôn, xin Ngài cho phép con được xuất gia trong pháp luật thiện thuyết và thọ cận viên thành tựu tánh Bí-sô, tịnh tu phạm hạnh phụng sự Thế Tôn.

Phật thấy như vậy, bảo:

- Này Bí-sô hãy đến đây tu tập phạm hạnh.

Hỏa Sinh nghe như vậy xong, râu tóc tự rụng như đã cắt bỏ được bảy ngày, thân mặc pháp y, bình bát có nơi tay, uy nghi đầy đủ như Bí-sô một trăm tuổi hạ. Có bài tụng:

Thế Tôn gọi con đến .
Tóc rụng, mặc pháp y,
Các căn được thanh tịnh.
Theo Phật, ý thành tựu.
Ðược Thế Tôn tùy căn cơ dạy bảo, Tôn giả tinh tấn cần tu quán sát năm đường sinh tử luân hồi di chuyển không ngừng, các hành hữu vi đều không bền vững, là pháp đáng chán, thường bị phá hoại, hoan lạc tạm thời, chịu khổ lâu dài, tuy có quả báo cõi trời cuối cùng cũng tan rã, quán sát thấy rõ như vậy nên đoạn trừ các hoặc nghiệp, đắc quả A-la-hán ba minh sáu thông, đủ tám giải thoát, biết rõ như thật:

- Ta sinh đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn đời sau. Tâm không còn chướng ngại như tay quơ trong khoảng không, bị dao cắt không giận, được thoa hương không tham đắm, xem vàng và đất như nhau, không còn vương vấn danh lợi, Thích Phạm chư thiên đều cung kính.

Khi ấy, các Bí-sô đều sinh phân vân, nói với nhau:

- Chỉ có đức Phật Thế Tôn mới phá được lưới nghi ngờ, chúng ta hãy cùng hỏi.

Họ cùng đến gặp Phật thưa:

- Thế Tôn, trước đây trưởng giả Hỏa Sinh tạo nghiệp gì, do quả báo của nghiệp ấy được sinh vào nhà giàu có hưởng thụ đầy đủ; lại vì nghiệp gì mà bị lửa đốt với mẹ trong một lần; nhờ nghiệp gì mà sinh trong loài người lại được hưởng thụ diệu tướng cõi trời; lại do nghiệp nào được xuất gia tu tập trong Phật pháp, đoạn trừ phiền não chứng quả A-la-hán?

Thế Tôn dạy:

- Này các Bí-sô hãy lắng nghe, những nghiệp đồng tử Hỏa Sinh đã tạo, được hưởng thụ như nói rõ ở trên. Các thầy nên biết, về quá khứ cách đây 91 kiếp có Phật ra đời hiệu Tỳ Bát Thi Như Lai, Ưùng cúng, Chánh đẳng giác, đầy đ? mười hiệu, cùng đại chúng Bí-sô sáu mươi hai ngàn vị, lần lượt du hành đến một thành tên Thân Tuệ, vua hiệu Hữu Thân. Cách đó không xa có rừng Thân Tuệ, đức Phật và các Bí-sô trú ở đó.

Nhà vua có phước đức lớn, đất nước an ninh, nhân dân phồn thịnh không có chiến tranh, là vị đại pháp vương như trên đã nói.Trong thành có một Trưởng giả tên Thiên Phận rất giàu nhiều tài sản hưởng thụ sung túc có thể sánh với Tỳ sa môn thiên vương. Trưởng giả suy nghĩ: "Tuy ta thường thỉnh Phật Tỳ Bát Thi và các thánh chúng thọ trai phạn thơm ngon, nhưng chưa bao giờ cúng dường bốn vật dụng trong ba tháng an cư. Nay ta nên thỉnh Phật và Tăng, cúng dường tất cả những nhu cầu sinh hoạt cần thiết trong ba tháng an cư". Sau khi suy nghĩ, Trưởng giả đến gặp Phật lạy sát chân Ngài, ngồi qua một bên. Ðức Phật dùng các phương tiện giảng thuyết pháp yếu, chỉ dạy làm cho lợi ích hoan hỷ. Sau khi thuyết pháp, đức Phật yên lặng.

Khi ấy Thiên Phận rời khỏi chỗ ngồi, bạch Phật:

- Thế Tôn! Cầu xin Ngài từ bi thương xót nhận cho con được cúng dường ẩm thực, y phục, ngọa cụ, y dược trong ba tháng an cư.

Ðức Phật im lặng nhận lời thỉnh của ông ta.

Thấy Phật đã nhận lời, Trưởng giả lạy sát chân Phật từ giã. Quốc vương Hữu thân nghe đức Tỳ bát thi Như Lai cùng đại chúng đến nước mình đang ở trong rừng, nên suy nghĩ: "Ta tuy thường thỉnh Phật và tăng vào cung cúng dường, nhưng chưa cúng dường tứ sự trong ba tháng an cư. Nay ta muốn thỉnh Phật và tăng cúng dường ba tháng". Nhà vua đến gặp đức Phật, lạy sát chân Ngài, ngồi qua một bên. Ðức Phật thuyết pháp vi diệu cho nhà vua, làm cho lợi ích hoan hỷ, sau đó im lặng. Nhà vua đứng dậy, chắp tay cung kính bạch Phật:

- Con tuy thường thỉnh Phật và Tăng vào cung thọ trai, nhưng chưa cúng dường tứ sự trong ba tháng an cư. Cầu mong Thế Tôn và các đại chúng thương xót nhận lời con được cúng dường đầy đủ tứ sự trong ba tháng.

Phật dạy:

- Ðại vương! Ta đã nhận lời thỉnh cúng dường ba tháng của trưởng giả Thiên Phận.

Vua nói:

- Nếu Phật không nhận lời vì thọ sự cúng dường của Thiên Phận, con xin bàn bạc lại, chắc ông ta đồng ý.

Phật dạy:

- Nếu ông ta đồng ý, Ta sẽ thọ thỉnh.

Vua nghe Phật dạy, lạy sát chân từ giã. Sau khi về cung, nhà vua liền sai sứ giả đến triệu Trưởng giả Thiên Phận. Khi trưởng giả đến, nhà vua bảo:

- Trưởng giả! Ông biết không, ta muốn thỉnh Phật và Tăng để chính mình cúng dường trước, ông sẽ cúng lần sau; việc này cũng không muộn.

Ðáp:

- Ðại vương, thần đã thỉnh Phật và Tăng trước rồi, đã có ý này xin nguyện được phép không làm trái lại.

Vua nói:

- Trưởng giả, tuy là như vậy, nhưng ông là người trong nước của ta, đem lý ra cân nhắc thì nên nhường ta trước.

Trưởng giả tâu:

- Ðại vương, tuy thần là người của vua, nhưng xét cạn lý thì thần thỉnh trước, nếu vua cố ép thì trái với đạo nghĩa.

Vua nói:

- Trưởng giả! Không do ham muốn nên được toại ý, nhưng trẫm cùng trưởng giả thiết cúng cách nhật, nếu người nào làm thức ăn ngon hơn thì họ tùy ý được thỉnh nữa.

Trưởng giả thưa:

- Xin vâng.

Ngay đêm ấy, trưởng giả liền chuẩn bị các món ăn uống thượng hạng thơm ngon đặc biệt.Vào buổi sáng, tại nơi thiết trai, Trưởng giả dùng bình lớn chứa nhiều nước sạch, sai người đến bạch Phật:

- Thức ăn đã dọn xong, xin Ngài biết thời gian.

Vào sáng sớm, đức Phật Tỳ Bát Thi mặc y mang bát cùng Tăng chúng tùy tùng đến nhà trưởng giả Thiên Phận, an tọa vào nơi dọn tiệc trai. Sau khi thấy đức Phật an tọa, Trưởng giả tự tay dâng các loại cúng dường lên Phật và chúng Tăng, ân cần tiếp đãi như vậy, khi biết mọi người đã no đủ, dâng tăm xỉa răng, nước súc miệng và thu xếp bát xong, đặt một chiếu nhỏ ngồi trước Phật để nghe pháp. Thế Tôn tùy theo căn cơ, thuyết pháp vi diệu làm cho Trưởng giả được lợi ích hoan hỷ, sau đó từ giã. Ðến lượt nhà vua thiết cúng, cũng bày biện các món cúng dường như trước ... cho đến từ giã. Như vậy, họ luân phiên cúng dường không có ai hơn kém cả. Nhà vua thấy sự việc như vậy nên chống tay lên mặt buồn rầu. Thấy sắc diện vua ưu buồn, các đại thần tâu:

- Vì sao đại vương có sắc buồn như vậy?

Ðáp:

- Hiện nay làm sao ta không buồn được, người khách trong nước của ta cúng dường Phật và Tăng mà ta không hơn được nên lo buồn.

Ðại thần tâu:

- Nhà của Trưởng giả Thiên Phận không có củi, phải mua để nấu ăn. Vậy ta không cho người bán củi bán cho họ thì làm sao họ nấu thức ăn được.

Nhà vua ra lệnh:

- Những người trong nước không được bán củi cỏ. Ai vi phạm bị đưa ra khỏi nước.

Ðến ngày cúng dường tìm không có củi để nấu thức ăn, Trưởng giả liền dùng gỗ thơm chiên đàn trong nhà để thổi lửa bếp, lại dùng dầu thơm thoa lên vải để nấu thức ăn, do đó, mùi thơm bay khắp cả thành.

Nhà vua lấy làm lạ hỏi:

- Vì sao hôm nay có mùi thơm tỏa khắp khác với ngày thường, từ đâu bay đến vậy?

Mọi người đem sự việc tâu lên vua.

Nhà vua nói:

- Ta không thể bỏ việc này .

Ðại thần can gián:

- Ðại vương vì sao phải làm như vậy, Trưởng giả không có con, sau khi qua đời tài vật đều thuộc về ngài, được như vậy tùy ý xử dụng. Nay nhà vua nên thu hồi lệnh cấm bán củi, cho phép họ bán lại.

Trưởng giả nghe nhà vua cho phép bán củi, nên tức giận nói ra lời ác:

- Theo số gỗ thơm hiện có trong nhà ta, khiến cho thiêu đốt vua cùng mẹ trong một chỗ.

Sau đó vào ngày khác, vua lại ưu sầu, quần thần thưa hỏi, vua đáp như trước.Quần thần tâu:

- Xin chớ lo buồn, thần sẽ có cách làm cho Trưởng giả cúng dường không bằng đại vương.

Vào ngày vua tổ chức cúng dường, trong nội thành, các đại thần liền dọn sạch gạch đá, quét dọn các nẻo đường, rưới nước thơm, xông hương thơm, treo tràng phan cờ lọng khắp nơi, rãi các loại hoa đẹp trên đất, trang trí rất hài lòng như ở vườn Hoan hỷ, thứ đến làm nhà ăn to lớn tráng lệ, bố trí chỗ ngồi ăn với nghi vệ quý báu trang nghiêm, treo tua vải rực rỡ che trên chỗ ngồi, thoa dầu thơm bột thơm vào chỗ đã lau chùi, dọn thức ăn mềm mại như cam lộ cõi trời, các loại mỹ vị thơm ngon hơn cả trân tu ở thế gian, để cung kính dâng lên cúng Phật và tăng. Khi ấy, các đại thần cùng tâu lên vua:

- Chúng thần cùng nhau hết sức trang hoàng thành phố, dọn thức ăn thịnh soạn như vậy, đại vương nên phát tâm vui mừng.

Sau khi đích thân xem xét, vua cho là rất hiếm có, liền sai sứ đến gặp Thế Tôn, bạch:

- Bữa ăn đã dọn xong, xin Phật định liệu.

Ðức Phật và các Tỳ kheo mặc y mang bát đi đến vương cung, vào chỗ trai diên an tọa. Nhà vua ra lệnh cho voi lớn quán đảnh cầm lọng có trăm nan che trên đức Phật Thế Tôn. Ngoài ra, các voi khác đều cầm từng lọng che trên Bí-sô. Ðại phu nhân của nước cầm quạt báu quạt mát cho Phật. Những người trong cung quạt cho các Bí-sô. Ðích thân vua và đại thần bưng các thứ cúng dường dâng lên Phật và Tăng ... như nói ở trên. Khi ấy, Trưởng giả Thiên Phận sai gia nhân:

- Ngươi hãy đến chỗ nhà vua thiết cúng, lén xem thức ăn uống ngon dỡ thế nào.

Sứ giả đến thấy sự thịnh soạn của bữa tiệc nên quên cả về. Sứ giả thứ hai, thứ ba cũng vậy.Bấy giờ, Trưởng giả đích thân đến xem, thấy sự thịnh soạn của bữa tiệc nên lấy làm hy hữu, suy nghĩ: "những thức cúng dường thơm ngon này, sức ta có thể làm được, nhưng voi và cung nhân thì ta làm sao có được!" Sau khi suy nghĩ, Trưởng giả về nhà, bảo người giữ cửa:

- Nếu thấy người ăn xin nào đến, cần gì thì giúp nhưng không cho vào nhà. Trưởng giả vào phòng, ưu sầu buồn bã. Khi ấy, Thiên Ðế Thích thường dùng thiên nhãn quán sát thế gian, thấy Trưởng giả Thiên Phận đang ưu sầu ở trong phòng, xét biết tâm niệm ông ta nên suy nghĩ: "Ðức Phật là ruộng phước số một trong thế gian, Thiên Phận là đại thí chủ đứng đầu, ta nên tương trợ cho ông ấy". Ðế Thích hóa ra một vị Bà-la-môn, đến nhà Trưởng giả, bảo người giữ cửa:

- Ngươi hãy đi báo với Trưởng giả, có đại Bà-la-môn giòng Kiều Thi Ca đang ở ngoài cửa cần gặp trưởng giả.

Người giữ cửa bảo:

- Trưởng giả bảo tôi canh giữ cửa này, thấy người đến xin, cần gì thì cho nhưng không cho vào; cần gì tôi sẽ cho, tùy ý mang đi, phiền gì phải gặp cho được trưởng giả?

Người kia đáp:

- Tôi không xin gì cả nhưng có chuyện cần phải gặp Trưởng giả.

Sứ giả vào thưa:

- Bên ngoài có đại Bà-la-môn giòng Kiều Thi Ca nói, không xin gì cả chỉ cần gặp Trưởng giả.

Trưởng giả nói:

- Hãy bảo người ấy muốn gì thì tùy ý cho mang đi, cần gì phải cố gặp ta?

Thưa:

- Ðúng như lời ngài đã dạy, con đã bảo họ rồi, nhưng họ nói có việc cần thiết muốn gặp Trưởng giả.

- Nếu vậy, hãy cho họ vào.

Sau khi được người giữ cửa đưa vào, Bà-la-môn thấy Trưởng giả ưu sầu nên hỏi:

- Vì sao ngài chống tay lên má dáng điệu ưu sầu như vậy?

Trưởng giả nghe hỏi, nói kệ đáp:

Ai giải tỏa được buồn,
Mới nói chuyện với họ
Họ không xóa hết buồn
Nói với họ làm gì?
Thiên Ðế Thích hỏi:

- Trưởng giả có việc gì buồn, tôi có phương pháp giải buồn được.

Trưởng giả liền kể lại sự việc xảy ra, Thiên Ðế Thích hiện lại nguyên hình, bảo Trưởng giả:

- Ta sai Xảo Diệu Thiên ở trên đến đây giúp đỡ.

Nói xong,Thiên Ðế Thích biến mất. Về đến thiên cung, Thiên đế bảo Xảo Diệu Thiên:

- Ông hãy đến Thiệm Bộ Châu, giúp đỡ cho Trưởng giả Thiên Phận.

Ðáp:

- Lành thay!

Vào sáng sớm, Xảo Diệu Thiên đến thành ấy, tùy ý biến hóa trang hoàng đường sá với sự kỳ lạ siêu tuyệt, các loại trang sức hơn cả của vua, nhà ăn tọa cụ khéo léo đẹp như cõi trời, thức ăn uống đều nấu từ bếp trời, sai voi lớn cầm lọng có trăm nan che hầu đức Phật Tỳ Bát Thi, các voi khác cầm lọng hầu các Bí-sô, trong nhà thiên nữ cầm quạt mát đức Phật, các thiên nữ khác cầm quạt hầu chúng Bí-sô. Nhà vua cũng sai sứ giả lén đến quan sát, xem Trưởng giả cúng dường như thế nào. Sứ giả đến thấy sự việc kỳ lạ đặc biệt như vậy nên quên cả về. Vua sai đại thần, rồi cũng như vậy. Ðến lượt thái tử cũng không trở về. Nhà vua quái lạ việc này nên tự đến cửa nhà Trưởng giả. Thế Tôn thấy vua đến, bảo với Trưởng giả:

- Ðây là vị vua đã thấy chân đế, ông đã nói lời thô ác với vị ấy. Vua đang ở ngoài cửa, ông hãy ra xin lỗi.

Trưởng giả liền ra ngoài xin lỗi vua, tâu:

- Ðại vương, xin thỉnh ngài tạm vào nhà, tự tay cúng dường.

Vua vào nhà, thấy bếp trời nấu món thượng diệu nên rất lấy làm hy hữu, bảo với Trưởng giả:

- Từ nay ngài có thể cúng Phật và Tăng hằng ngày, chẳng phải là việc mong cầu của trẫm.

Sau khi cúng dường Phật và Tăng với các thức ăn thịnh soạn như vậy, Trưởng giả đảnh lễ sát chân Phật và phát nguyện:

- Con cúng dường phước điền tối thượng, nguyện nhờ thắng duyên này, trong đời tương lai con thường được sinh vào nhà đại phú quý, tài sản sung túc hưởng thụ diệu tướng cõi trời, nhận được pháp thù thắng, thoát khỏi triền cái. Con sẽ thừa sự bậc Ðại sư Như thị, tâm không nhàm chán.

- Này các Bí-sô chớ có ý hoang mang, trưởng giả Thiên Phận thời ấy, nay chính là Hỏa Sinh. Do nói lời thô ác với nhà vua kia: "Ðem lửa chiên đàn đốt cả mẹ con", với sức nghiệp này nên bị đốt chung với mẹ trong năm trăm đời. Nhờ thiện nghiệp cúng dường lên Phật Tỳ Bát Thi và phát nguyện nên thường được sinh trong nhà đại phúù quý, tài sản vô số, các diệu tướng cõi trời tự nhiên xuất hiện, xuất gia tu tập trong giáo pháp của Ta, đoạn trừ hết phiền não, chứng quả A-la-hán.

- Này các Bí-sô, thần thông đạo lực của Ta cùng với Phật Tỳ-Bát-Thi bình đẳng nhau. Ai đối với Ta cúng dường thừa sự với tâm ân cần, tất đạt được kết quả thù thắng. Như vậy nên biết rằng, nếu gây nghiệp hoàn toàn đen thì bị quả báo thuần đen ... rộng như nói ở trên.

Các Bí-sô nghe lời Phật dạy, tín thọ phụng hành.
 
 

Nhiếp tụng thứ ba trong biệt môn thứ nhất:

Chuyết bát súc tư cụ
Ðao tử cập châm đồng
Tinh y trinh hữu tam
Thị đại tiên khai hứa.
* Một thời Phật ở thành Thất La Phiệt. Bát bị nứt, Bí-sô đem đến thợ thiết, bảo:

- Hiền thủ, bát tôi bị nứt, xin vá lại cho tôi.

Người thợ thiết suy nghĩ: "Những đệ tử của Thích Ca đều ở không, chẳng trả tiền chỉ muốn sai làm giùm. Nếu ta làm, thì họ lại tiếp tục đến nữa, làm cho họ mãi, tất công việc của ta bị bỏ bê, chẳng biết lúc nào xong,vậy ta hãy kéo dài thời gian". Nghĩ vậy, người thợ nói:

- Thánh giả, tôi đang bận, ngày mai hãy đến.

Ngày mai Bí-sô đến, thợ lại bảo ngày sau, hoặc sáng hoặc chiều ... ngày nào cũng như vậy, cố ý dối trá để kéo dài thời gian làm cho Bí-sô mệt nhọc. Có Bí-sô bạn thấy vậy hỏi:

- Cụ thọ, hằng ngày thấy thầy đến nhà này, có phải họ là môn đồ hay quen thân với thầy không?

Ðáp:

- Ðại đức! Nhà này không phải là môn đồ hay là người quen thân của tôi. Tôi có bát nứt nhờ họ sửa chữa, họ tìm cách gạt tôi, nên phải thường đến đây.

Ðáp:

- Cụ thọ, thầy không nghe lời tục nói hay sao,thợ trẻ giỏi khéo, khó nói lời thật. Nhưng tôi biết làm, nếu Phật cho phép tôi sẽ vá lại cho ngài.

Họ đem việc này bạch Phật. Phật dạy:

- Bí-sô nào biết làm, nên vá bát vị ấy ở chỗ khuất, nếu có người thấy cũng không sinh hiềm khích.

Khi Bí-sô ấy được Phật cho phép liền tìm đến gặp Bí-sô biết làm kia, nói:

- Ðại đức, Thế Tôn đã cho phép được tự vá bát, xin thầy hãy làm cho tôi.

Vị kia đáp:

- Cụ thọ, chẳng lẽ dùng ngón tay tôi vá bát hay sao, hãy chờ tôi làm dụng cụ rồi mới vá. Họ đem sự việc bạch Phật.

Phật dạy:

- Vì việc này, từ nay Ta cho phép tăng già được chứa sắt để làm dụng cụ. Ai cần, có thể mượn lấy dùng, làm xong trả lại.

* Duyên khởi ở thành Thất La Phiệt. Các Bí-sô muốn may ba y, dùng tay xé nên vải may y bị hư, họ đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

- Không nên dùng tay xé vải, hãy cắt bằng dao nhỏ. Sau khi Phật cho phép, có những Bí-sô muốn cắt y, đến nhà thế tục bảo cư sĩ:

- Tôi cần dao nhỏ để cắt y.

Ðáp:

- Xin mang đi. Sau khi dùng xong, Bí-sô trả lại chủ cũ.

Họ bảo:

- Vật này đã cúng cho ngài.

Ðáp:

- Thế Tôn chưa cho phép nhận.

Họ đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

- Ta cho phép Bí-sô được nhận cất dao nhỏ.

Thấy Phật đã cho phép, lục chúng Bí-sô liền dùng vàng bạc lưu ly pha lê các báu vật với nhiều màu sắc, nhiều loại trân kỳ để trang sức cán dao. Những người thế tục thấy vậy hỏi:

- Thánh giả, đây là vật gì?

Ðáp:

- Thế Tôn cho giữ dao nhỏ.

Họ nói:

- Quý vị còn có sự tham muốn trói buộc tâm hay sao?

Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

- Bí-sô không được dùng vàng bạc pha lê các báu vật nhiều màu sắc, những loại trân kỳ để trang sức cán dao. Ai cần dao nhỏ chỉ được dùng cán sắt.

Họ liền làm dao dài lớn. Người tục lại hỏi:

- Ðây là vật gì?

Ðáp:

- Ðây là dao nhỏ, Thế Tôn cho phép dùng.

- Thánh giả, đây là dao lớn, không phải dao nhỏ.

Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

- Bí-sô không được giữ dao dài.

Họ lại làm dao quá nhỏ không thể cắt được vật. Phật dạy:

- Các ông nên biết, có ba loại dao là lớn trung nhỏ. Loại lớn dài sáu ngón tay; loại nhỏ dài bốn ngón, loại trung giữa hai loại trên. Hình dáng có hai:

Một: Cong như lông quạ;
Hai: Như lông cánh gà, không nên làm mũi nhọn.
* Duyên khởi tại thành Thất La Phiệt. Khi các Bí-sô may ba y, dùng trúc hay cuống lông chim để xỏ, nên y bị hư rách. Phật dạy:

- Nên dùng kim. Lục chúng dùng vàng bạc lưu ly pha lê các loại quý báu để làm kim. Người thế tục thấy vậy hỏi:

- Ðây là vật gì?

Ðáp:

- Phật cho phép giữ kim. Họ nói: "Sa môn Thích tử bị tham muốn trói tâm". Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

- Bí-sô không nên dùng vàng ... để làm kim. Kim có bốn loại là đồng, sắt, thâu thạch và đồng đỏ. Bí-sô dùng kim tùy theo chỗ để, bị sét.

Phật dạy:

- Nên dùng ống đựng kim. Bí-sô không hiểu phải dùng ống như thế nào. Phật dạy:

- Có hai loại ống kim. Một là ống rút ra được; Hai là ống trúc. Ở đây cho phép dùng ống, đối với hai loại dao trên nếu sợ sét thì đặt vào ống cũng được.

* Duyên xứ ở thành Thất La Phiệt, Phật cho phép Bí-sô làm Tăng-già-chi. Các Bí-sô trải nhiều vải trên đất, phần nhiều bị thức ăn của côn trùng làm dơ bẩn; đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

- Không nên để trên đất, hãy làm trụ phơi y.

Bí-sô không biết làm trụ như thế nào, bạch Phật. Phật dạy:

- Có hai loại trụ là gỗ hay tre, giăng y ở trên.

Kéo qua lại, tre làm rách y. Phật dạy:

- Trước hết khoan lỗ, sau đó xỏ dây cột giăng vào bên trên. Như Phật dạy có ba loại y là: Thượng, trung, hạ. Y thượng đặt vừa trên trụ cao, hai y trung hạ không tương xứng. Phật dạy:

- Nên làm ba loại trụ, lớn nhỏ tùy theo y.
 
 

Nhiếp tụng thứ tư trong biệt môn thứ nhất:

Chiếu cảnh tinh giám thủy
Bất ưng dụng sơ loát
Ðảnh thượng lưu trường phát
Dục thất lật cô tỳ.
* Tại thành Thất La Phiệt. Sáng sớm, Lục chúng Bí-sô mặc y mang bát vào thành khất thực. Những người thế tục đang bày những vật để trang điểm trong rương ra. Thấy vậy, Lục chúng liền lấy gương để soi mặt. Nan-đà, Ô Ba Nan Ðà bảo nhau: "Ta thật đẹp trai". Người thế tục thấy vậy, không vừa ý, nói:

- Thánh giả trên đầu không tóc dưới nách lông dài, vậy đẹp ở chỗ nào?

Họ đành im lặng, Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

- Bí-sô không nên soi gương. Ai vi phạm bị tội vượt pháp.

Như Phật dạy không nên soi gương, họ soi vào nước, cũng bị chê cười. Phật dạy:

- Không nên dùng nước để soi mặt.

Khi Bí-sô xem trùng trong nước, thấy mặt mình nên có tâm xấu hổ. Phật dạy:

- Xem xét nước thấy mặt không phạm, chớ nghi ngại. Nếu xem mụt ghẻ, hay xem hình dáng già trẻ so với trước đây, soi gương không có lỗi.

* Duyên xứ như trước, Lục chúng khất thực, thấy dụng cụ trang sức trong nhà thế tục, liền lấy lược chải tóc trên đầu, hỏi nhau có đẹp không. Người thế tục thấy vậy, chê cười như trước. Họ đành im lặng; đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

- Bí-sô không nên chải đầu, ai vi phạm bị tội vượt pháp.

Bí-sô dùng bàn chải cũng bị lỗi như trước. Phật dạy:

- Ai dùng bị tội vượt pháp.

Bí-sô dùng cả lược và bàn chải. Phật dạy:

- Bị tội như trước.

* Duyên xứ như trước. Sau khi trải vàng để mua rừng Thệ-đa dâng lên Phật và Tăng, một hôm Trưởng giả Cấp Cô Ðộc sai thợ cạo đến chùa cạo tóc cho chư Tăng. Thấy người ấy đến, Lục chúng hỏi:

- Ngươi có thể cạo tóc nhưng chừa lại một phần trên đầu không?

Ðáp:

- Ðó là nghề của con.

Lục chúng bảo để lại phần tóc lớn, lại bảo cạo bớt một phần, rồi hai, ba, bốn, năm, cho đến tám phần, sau đó lại nói:

- Này kẻ ngu si, chẳng hiểu gì cả, hãy cạo sạch hết đi, rồi cho ngươi về.

Chiều tối, thấy người ấy mới về, Trưởng giả hỏi:

- Ngươi cạo tóc được bao nhiêu người?

Ðáp:

- Không có rảnh để cạo, Ô Ba Nan Ðà bảo làm vòng tóc trên đầu.v.v ... mãi đến chiều tối mới cho về.

Trưởng giả nghe vậy, không vừa ý chê trách.Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

- Bí-sô không nên mang vòng tóc trên đầu. Ai vi phạm bị tội vượt pháp.

* Duyên xứ như trước, cụ thọ Ngưu Ngọa ở trong hang Trư Khảm, vườn vua Xuất Quang, núi Thủy Lâm, nước Kiêu-Thiểm Tỳ. Sau đó, trong tháng mùa xuân, rừng cây tươi tốt, các loại chim như ngỗng, nhạn, uyên ương, oanh vũ, xá lị, công ... hót hay vang lừng trong các vườn rừng, nên vua Xuất Quang ra lệnh người giữ vườn:

- Ngươi hãy sửa sang cây cỏ trong núi Thủy Lâm, dọn dẹp gạch ngói, bố trí nhiều nước sạch,cắt người hộ vệ, ta muốn đến rừng du ngoạn một lúc.

Người kia tuân theo lệnh vua, làm hết các việc, sau đó trở lại tâu lên cho vua:

- Thần đã làm hoàn tất theo lệnh của đại vương, xin ngài biết thời gian.

Nhà vua liền đưa những người trong cung làm tùy tùng, đi đến rừng du ngoạn đến lúc mệt nhọc, nằm ngủ. Những người trong cung tính ưa thích hoa quả, nên đi tìm khắp nơi trong rừng. Khi ấy, Bí-sô Ngưu Ngọa râu tóc quá dài, y trên rách nát, y dưới dơ bẩn, đang ngồi kiết già dưới gốc cây. Vừa thấy Tôn giả, các cung nhân đều kinh hoàng. kêu lớn: "Có quỷ! có quỷ!". Nghe vậy, Bí-sô liền vào trong hang. Nghe tiếng kêu, nhà vua giật mình thức dậy, rút kiếm chạy tới, hỏi cung nhân:

- Quỷ ở đâu?

Ðáp:

- Ðã chạy vào hang Trư Khảm .

Nghe xong nhà vua đi đến hang, cầm kiếm, hỏi:

- Ngươi là vật gì?

Ðáp:

- Tôi là Sa-môn.

Vua hỏi:

- Là Sa-môn gì?

Ðáp:

- Ðệ tử đức Thích Ca.

Hỏi:

- Người đã chứng A-la-hán phải không?

Ðáp:

- Chưa đắc.

- Người đắc Bất-hoàn, Nhất-lai, Dự lưu quả phải không?

Ðáp:

- Không đắc.

- Hãy gác việc ấy lại. Người đã đắc định thứ nhất đến định thứ tư?

Ðáp:

- Chưa đắc.

Nghe xong, nhà vua rất tức giận, bảo với đại thần:

- Ðây là kẻ phàm tục xâm phạm cung nữ của ta. Hãy đem kiến bỏ đầy hang để chúng cắn thân hắn.

Khi ấy, có Thiên thần cựu trú ở gần hang, nghe vậy, nên suy nghĩ: "Ðây là thiện Sa-môn đến đây nhờ ta, ngài không vi phạm gì cả, chỉ sống thiểu dục, vua ác phi pháp muốn gây hại một cách oan uổng. Ta hãy tạo điều kiện giúp đỡ". Thiên thần liền biến thành một con heo lớn, từ trong hang chạy ra. Thấy heo, nhà vua bảo đại thần:

- Hãy dắt ngựa và mang cung tên lại đây.

Ðại thần vâng lệnh giao cho vua.

Khi con heo chạy nhanh ra ngoài khu vườn, nhà vua vội chạy theo sau. Bấy giờ, có cung nữ kia bảo Bí-sô:

- Thánh giả hãy đi đi, nhà vua rất bạo ác, có thể hại ngài.

Bí-sô ấy vội mang y bát đi nhanh đến thành Thất La Phạt. Khi các Bí-sô khác trông thấy, chào hỏi:

- Kính chào cụ thọ, lâu đã không gặp, ngài từ đâu đến?

Ðáp:

- Tôi trú ở Kiêu Thiểm Tỳ đến đây.

- Ngài sống có an lạc không?

Ðáp:

- Nào có an lạc gì, sắp bị quốc vương giết hại.

Hỏi:

- Vì sao vậy?

Vị này kể lại sự việc vừa rồi. Các Bí-sô đem sự việc bạch phật. Phật bảo một Bí-sô:

- Thầy hãy đến gặp Bí-sô Ngưu Ngọa và bảo: - Thế Tôn gọi thầy.

Vâng lệnh Phật, vị này đến gặp Ngưu Ngọa, truyền lệnh Phật. Nghe lệnh, vị này đến gặp Phật, sau khi lễ kính đứng qua một bên. Thế Tôn bảo:

- Này Bí-sô có phải thầy đã làm hình dáng xấu xa phi pháp như vậy phải không?

Ðáp:

- Bạch Ðại đức, đúng vậy.

- Ngươi thật là người ngu nên bị tâm tham luyến yêu thích trói buộc vào chỗ hang kia.

Phật bảo các Bí-sô:

- Ðể tóc dài có những lỗi như vậy, nên các ông không được để tóc dài, ai không cắt tóc bị tội vượt pháp.

Như lời Phật dạy Bí-sô không được để tóc dài, có Bí-sô sống ở A Lan Nhã không có người cắt tóc, nên vứt bỏ hết ngọa cụ, đến sống gần tụ lạc. Ðức Phật biết vậy nên hỏi A-Nan-Ðà:

- Vì sao lan nhã Bí-sô bỏ trú xứ kia để đến sống gần tụ lạc?

A Nan Ðà bạch Phật:

- Như Phật chế định, Bí-sô không nên để tóc dài.

Phật dạy:

- Nay Ta khai cho, lan nhã Bí-sô được để tóc dài bằng hai lóng tay; người sống ở làng xóm thì để tóc ngắn hơn.

* Duyên xứ như trước, có Bí-sô bị bệnh, đến gặp y sĩ, nói:

- Hiền thủ, tôi có bệnh xin ngài điều trị.

Ðáp:

- Thánh giả, nên làm phòng tắm, tắm rửa thân hình sạch sẽ thì bình phục.

- Này hiền thủ, lẽ nào tôi lại hưởng thụ dục lạc như thế tục hay sao?

Ðáp:

- Thánh giả, ngoài cách này ra, không thuốc nào chữa được.

Các Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

- Nếu y sĩ bảo cần làm phòng tắm để trừ bệnh ấy, không còn cách khác, thì Ta khai cho phép vào phòng tắm.

Phật cho phép làm phòng tắm, Bí-sô trở lại nói với y sĩ:

- Phòng tắm trừ bệnh có hình thức thế nào?

Y sĩ đáp:

- Tôi từng đọc phương thuốc của Luân vương, trong ấy dạy phòng tắm có thể trừ được bệnh ấy, tôi không biết hình thức nó thế nào. Nhưng Ðại sư của thầy đủ Nhất thiết trí, hãy đến hỏi Ngài và làm theo.

Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

- Nên làm như phòng tắm.

Họ làm phòng tắm trong chật ngoài rộng. Phật dạy:

- Không được làm như vậy, cách làm phòng tắm là trong rộng ngoài hẹp, hình như trái bầu.

Bên trong bị khói mịt mù không thoát được. Phật dạy:

- Nên làm cửa sổ để khói thoát ra.

Họ làm cửa sổ quá thấp gần, nên khói vẫn không thoát ra. Phật dạy:

- Không nên làm quá thấp.

Họ lại làm quá cao nên ít ánh sáng. Phật dạy:

- Không nên làm quá cao hay quá thấp, nên làm vừa ở giữa.

Có chim, quạ tu hú, bồ câu bay vào phòng. Phật dạy:

- Nên làm song ngăn cách, khi bị gió mưa tạt vào nên làm cánh cửa. Gió thổi bật cửa, nên làm chốt cửa. Nếu khó mở đóng, nên làm cây chống như móng chân dê để đóng mở.

Phòng không có cửa, Phật dạy:

- Nên lắp cửa, làm chốt ngang và khóa.

Trong phòng tắm, bình nước để dưới đất làm nước bị lạnh không thể dùng được, Phật dạy:

- Trong phòng tắm, hai bên nên bố trí kệ, đặt bình nước lên trên, không quá cao không quá thấp, vừa bằng đến gối.

Ðốt lửa trên đất làm tổn hại đất, Phật dạy:

- Không nên đốt trên đất, nên lót gạch đá trên đất.

Khi lửa đang cháy rực, Bí-sô vào phòng, bị ngất, Phật dạy:

- Khi lửa đang cháy rực, không nên vào, đợi lửa bớt cháy rồi hãy vào tùy ý.

Họ phân tán lửa ra, làm lửa mau tắt, Phật dạy:

- Nên gom lại một chỗ.

Họ không biết lấy vật gì gom lửa lại, Phật dạy:

- Nên dùng xẻng sắt.

Khi Bí-sô trúng lửa bị ngất, nên dùng ít dầu man thanh tử trộn lương khô bỏ vào lửa, thì tỉnh dậy. Có mùi hôi, Phật dạy:

- Nên đốt hương.

Bị chảy nước mắt, Phật dạy:

- Dùng cục lương khô chặm. Vẫn không hết, dùng vụn dư cam tử thấm ướt làm viên nhỏ để chặm nước mắt.

Trong phòng không có phản để ngồi, mỗi người tự mang lại bị dầu làm nhơ bẩn, Phật dạy:

- Dùng cỏ lót vào.

Chân đi trên đất bị bùn làm dơ nhớp, Phật dạy:

- Nên trải cỏ.

Họ dùng cỏ khô nên bị cháy, Phật dạy:

- Nên trải cỏ xanh.

Cỏ xanh khó tìm, Phật dạy:

- Nên nhúng cỏ khô cho ướt.

Bí-sô thoa dầu toàn thân nên bị lác, dùng gạch đá móng tay gải làm trầy da, Phật dạy:

- Bị lác không được dùng móng tay cào, nên dùng đá nổi.

Họ dùng đá nổi bén nên bị lỗi như trước, Phật dạy:

- Nên mài mất chỗ bén, sau đó mới dùng.

Họ dùng rồi vứt bừa bãi nên bị thất lạc, Phật dạy:

- Không được vứt bừa bãi làm mất, nên dùng dây treo móc lên ngà voi hay trên cọc .

Ðá nổi dính mồ hôi dầu nhớp nên phải thường tẩy bằng nước. Phật dạy:

- Không nên tẩy bằng nước, nên bỏ vào lửa.

Nhiều người ra vào làm cho phòng bị trống lạnh, Phật dạy:

- Ra vào phải đóng cửa, nên sai một Bí-sô giữ cửa.

Các Bí-sô nói chuyện phiếm trong nhà tắm, Phật dạy:

- Không nên nói chuyện phiếm trong nhà tắm. Khi tắm giặt có hai nghi thức: Một nói đúng pháp; Hai im lặng như bậc Thánh.

Bí-sô tắm giặt trong phòng làm đọng bùn ẩm thấp, Phật dạy:

- Không nên dùng nước tắm giặt trong phòng, nên làm phòng tắm giặt riêng.

Trong phòng tắm lại có bùn,  Phật dạy:

- Dùng vật lát lên.

(Ðây là chế độ phòng tắm ở phương Tây, dùng gạch xếp thành, hình dạng như chất lương thực, trên hẹp dưới rộng, chính giữa cao chừng một trượng, bên dưới rộng bảy tám thước Tàu, có mở cánh cửa một bên, trét tro bùn trong ngoài dày kín. Mặt sau bố trí một khám nhỏ, trong khám để tượng đá hay tượng đồng, sau khi tắm tượng xong, bưng để nơi khác. Sau đó người khác vào chí tâm cúng dường phát nguyện việc thường làm; sở phí không nhiều được phước vô cùng. Giữa để lò đất sâu chừng một thước. Khi tắm, đốt than hay củi trong lò này, xem lạnh ấm cho hợp thời tiết. Trong phòng đốt đèn, khói thông cửa sổ ra ngoài. Theo phép phương Tây đều tắm trước khi ăn, không giống ở phương này đói rửa, no tắm. Khi muốn tắm thì mặc quần tắm, vào phòng ngồi xổm một bên. Một lúc ra mồ hôi, lấy dầu thoa khắp thân, bảo người lau kỳ cọ, có thể trừ được các bệnh nặng cảm cúm bệnh lạnh bệnh gió, không cần dùng thuốc khác, chứ không phải chỉ dùng nước nóng để tắm cho sạch cáu bẩn thôi đâu. Sau đó, đi vào phòng riêng, dùng nước thuốc để tắm thân thể, đây là phép tắm theo Ðế Thích. Phật dạy Bí-sô việc lạ chưa biết, sợ người xem không hiểu nên nhân đây chú thích ra, nếu không bệnh nên bỏ bớt, tùy lúc mà làm. Nhưng ở Trung Thiên Trúc nóng nên ít làm như vậy, những xứ lạnh ở phương Bắc đều làm.)

Bí-sô không biết dùng vật gì để lát, Phật dạy:

- Nên dùng gạch lát, hoặc rãi bằng cát.

Bị đọng nước. Phật dạy:

- Nên làm mương thoát nước.

Khi rót nước vào, người rót nước ở dưới, người tắm ở trên, nước văng làm bẩn y, Phật dạy:

- Không nên như vậy, nên bảo người tắm ở dưới, người rót nước ở trên, khi tắm giặt nên dùng xỉ-mộc và tháo-đậu, phân bò, đất vụn.

Họ lấy ở nơi khác, Phật dạy:

- Nên dự trữ các vật này trong nhà tắm, không nên đi xa lấy.

Sau khi tắm rửa, thân thể bị suy nhược, Phật dạy:

- Nên ăn chút ít.

Tay dính dầu mồ hôi khó rửa sạch liền, nếu kéo dài thời gian rửa, sợ bị lỗi, Phật dạy:

- Nên dùng muỗng để ăn. Gặp cháo nóng cũng nên dùng muỗng.

Khi ăn cần muối, không có lá để nhận, Phật dạy:

- Nên chứa mâm đựng muối.

Phật bảo làm phòng tắm, không biết sai người nào làm; Phật dạy:

- Nên sai đệ tử môn nhân cùng làm, nếu có thí chủ cũng nên nhờ làm.

Khi tắm rửa,lau chùi thân thể cho nhau, Phật dạy:

- Khi vào phòng tắm nên đưa đệ tử vào, bảo họ lau chùi thân.

(Mâm đựng muối, phép ăn ở phương Tây, trước đưa muối dưới có gừng lát. Ðây là Thánh giáo và phương này không giống nhau. Mâm vốn là để muối, hoặc để xem nước, nguyên vì không muốn ăn thịt chúng sinh (trùng). Luật dạy: - Ăn xong không đòi hỏi nữa.

Tăng tự cho rằng phải dùng mâm để lưu lại một phần lớn thức ăn, đem thí chúng sinh, giúp đỡ cho khỏi đói. Ðây chỉ do sự sai lầm của người truyền)

CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ
TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ.

Quyển thứ ba hết.

-ooOoo-

Ðầu trang | 00 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 |
 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 |


[ Trở Về ]