Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page]


Những đạo giáo (sectes religieuses) ở Nam Bộ

Tiến sĩ Phan Lạc Tuyên

Ðạo giáo Bửu Sơn Kỳ Hương cũng như một số đạo giáo khác không phải là một tông phái của Phật giáo, tuy nó có phần nào dùng một số giáo lý Phật giáo. Thực sự đây là một đạo giáo cứu thế (religion messianiste) đã dược khai sinh không những ở Nam Bộ mà cả ở vùng Ðông Nam Á như Philippines, Indonesia. Có nhiều đạo giáo tương tự hình thành trong những điều kiện nhất định của thời điểm chính trị và không gian xã-hội : khi chủ nghĩa thực dân đế quốc xâm lược vùng Ðông Nam Á vào thế kỷ 16 trở đi, dù bọn vua quan phong kiến có đầu hàng hoặc thỏa hiệp với bọn thực dân xâm lược thì tầng lớp sĩ phu và nông dân yêu nước vẫn chống lại bằng mọi hình thức.

Không thể chống lại công khai bằng bạo lực quân sự, nho sĩ và nông dân với khuynh hướng quốc gia cực đoan, bài ngoại và mê tín đã sử dụng đạo giáo và thần quyền để tập hợp và tổ chức một cách bán hợp pháp hoặc hợp pháp bí mật, hoặc công khai những lực lượng chống xâm lược ngoại bang và sự bóc lột của bọn phong kiến chủ đất, lúc ấy đã đầu hàng hoặc thỏa hiệp với thực dân ngoại bang.

Như vậy bản thể của những đạo giáo trong lúc đó là nông dân, nho sĩ yêu nước, chống phong kiến và chịu ảnh hưởng của những trào lưu đạo giáo cứu thế vốn sẵn có của xã hội Ðông phương. - Nam Bộ, những đạo giáo như : Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo v.v... cũng đều mang những thuộc tính như vậy.

1) Ðạo Bửu Sơn Kỳ Hương : 1849

Hoàn cảnh lịch sử khi ra đời của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương vào giữa thế kỹ XIX (1849) là trong hoàn cảnh đất nước và xã hội cực kỳ rối ren từ Bắc vào Nam. Trong khi đó xã hội suy thoái, vua quan ngu dốt, bất tài, lại thêm nạn tham nhũng, bóc lột, sưu cao thuế nặng, triều đình kỳ thị chém giết tôn giáo : cấm đạo Gia Tô, cấm lập chùa thờ Phật. Nạn mất mùa, đói kém, kinh tế phá sản, các bệnh dịch hoành hành đã khiến nhiều cuộc khởi nghĩa và bạo động nổ ra khắp mọi nơi. Lợi dụng cơ hội này, thực dân Tây phương tác động bằng nhiều cách để gây rối loạn nhằm thực hiện ý đồ xâm lược. Trong điều kiện lịch sử như vậy, lòng dân ly tán, cố chống lại triều đình và bọn địa chủ mới đang phát triển.

Ở miền Bắc có các cuộc khởi nghĩa của nông dân và nho sĩ như : Phan Bá Vành năm 1826 (Thái Bình, Nam Ðịnh), Lê Duy Lương năm 1833(Ninh Bình, Hưng Hóa), Nông Văn Vân năm 1833 (Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang). - miền Nam có cuộc khởi nghĩa của Lê văn Khôi năm 1833. Thực chất đây là cuộc khởi nghĩa của nho sĩ, nông dân nghèo và dân tộc thiểu số chống lại nạn áp bức bóc lột của triều đình, bọn chủ đất và sự đô hộ của thực dân Pháp.

Người sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương là ông Ðoàn Minh Huyên, đạo hiệu Giác Linh, sinh năm 1807 ở làng Tòng Sơn, tỉnh Sa Ðéc (Ðồng Tháp) trong một gia đình nông dân. Ông học bình thường, đọc sách Phật từ lúc cón nhỏ. Ông lập đạo từ năm 1849, lúc ông đã ngoài 40 tuổi và nơi truyền đạo đầu tiên là đình làng Kiển Thạnh, tỉnh Long Xuyên. Thời điểm ông truyền đạo là năm nông dân mất mùa đói kém, nhiều nơi có giặc cướp nổi dậy, bệnh dịch lan tràn, dân chúng điêu linh. Ông vừa giảng đạo, vừa chữa bệnh bằng thuốc và nhiều người đã khỏi bệnh. Họ tin vào pháp thuật của ông. Do đó dân chúng tôn ông làm Phật thầy Tây An vì khi ông chữa bệnh tại Tây An cổ tự ở Châu Ðốc, mọi người gọi ông là "Phật sống". Ông tự gọi đạo của ông là Bửu Sơn Kỳ Hương và có bài thơ truyền tụng :

Bửu ngọc quân minh thiên Việt nguyên
Sơn trung sư mạng địa Nam tiền
Kỳ niên trạng tái tân phục quốc
Hương xuất trình sanh tạo nghiệp yên.
và cho rằng Bửu Sơn Kỳ Hương lấy Thất Sơn là nơi xuất phát sẽ tỏa sáng năm châu bốn biển và lúc đó hòa bình thịnh vượng lâu dài. Ðạo Bửu Sơn Kỳ Hương lấy tứ đại trọng ân làm nền tảng. Bốn ân lớn đó là :
- Ân tổ tiên cha mẹ.
- Ân đất nước.
- Ân tam bảo.
- Ân đồng bào, nhân loại.
Bửu Sơn Kỳ Hương khuyên mọi người học Phật tu nhơn (tu nhân, tích đức và niệm Phật).

Sau một thời gian truyền đạo, triều đình nghi ông nổi loạn nên ông bị Tổng Ðốc An Giang bắt giam, sau đó ông được thả ra, nhưng ông vị bắt buộc phải tu tại Tây An cổ tự để triều đình dễ bề kiểm soát những hành động của ông. Sau bảy năm giảng đạo, năm 1856 Phật Thầy Tây An viên tịch tại Tây An cổ tự ở Núi Sam (Châu Ðốc) và phần mộ ông nay còn ở đó.

Hai mươi tám năm sau khi ông mất (1884), triều đình Huế đầu hàng thực dân Pháp xâm lược, nhưng phong trào kháng Pháp trong nhân dân lại bùng lên mạnh mẽ ở Nam Bộ. Hầu hết các tín đồ của Bửu Sơn Kỳ Hương đều tham gia vào cuộc kháng chiến. Trong số những tín đồ đã có những người là lãnh tụ của cuộc kháng chiến như Trương Công Ðịnh (1862) tức Bình Tây Ðại nguyên soái, Nguyễn Trung Trực (1861) - người anh hùng "Hỏa hồng Nhật Tảo", đốt cháy tàu chiến Espérance của quân xâm lược Pháp tại sông Nhật Tảo, Trần văn Thành (1867) khởi nghĩa tại vùng Láng Linh thuộc tỉnh An Giang. Thực dân Pháp có bọn tay sai giúp đỡ đã đàn áp tàn bạo. Sau khi phong trào kháng chiến chống Pháp tạm thời thất bại, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương lại được tiếp tục dưới hình thức giảng đạo trong nông dân vùng An Giang. Trong số những ông đạo có : Ðức Phật Trùm năm 1868 tự nhận là hậu thân của Phật Thầy Tây An giáng thế, cho sử dụng lòng phái màu đỏ có dấu Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông Phật Trùm là người Khmer, đã truyền đạo sang cả đất Campuchia. Thực dân buộc tội ông làm loạn và bắt đi đày nhưng sau đó thả về. Ông mất tại núi Tà Lơn năm 1875.

2) Ðạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa :

Người sáng lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là ông Ngô Viện, húy là lợi nên gọi là Ngô Lợi. Ông sanh năm 1831 tại Mỏ Cày (Bến Tre), ông tự học lấy, đọc sách Phật và năm 20 tuổi viết Bà La Ni kinh. Ông lập đạo năm 36 tuổi (1876), tự xưng là Ðức Bổn sư và khi nhận đệ tử, ông cũng phát lòng phái có dấu Bửu Sơn Kỳ Hương.

Năm 1872, ông đưa các tín đồ tới xã An Lộc (An Giang) dựng chùa, thành lập và truyền bá đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (TÂHN). Sau đó ông đưa một số đệ tử vào vùng Thất Sơn (Bảy Núi) khai hoang lập trại ruộng ; và trong 14 năm lập ra bốn thôn : An Ðịnh, An Hòa, An Thành và An Lập, thôn nào cũng đều cất chùa giảng kinh.

Ðạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa thờ trần điều, thờ Phật, Sơn thần và trăm quan cựu thần liệt sĩ. Về giáo lý, ông Ngô Lợi tiếp tục hoằng pháp như Bửu Sơn Kỳ Hương : Tứ đại trọng ân, học Phật tu nhơn nhưng không ly gia cát ái, không ăn chay trường và cũng hạn chế sát sanh. Về cách đối nhân xử thế thì theo đạo Nho, đạo Lão và theo Thiền Tông. Tín đồ TÂHN mặc áo vạt hò, quần lá nem nhuộm đen, bới tóc hoặc để xõa tự nhiên, đi chân đất, trước cửa nhà có bàn thờ thiên hai tầng, thờ thiên La thần và Thổ Trạch Long thần. Các tín đồ tụng riêng những kinh của đạo này lập ra như : Phổ Ðộ Bàn Ðào, Linh Sơn Hội Thượng...

Pháp môn tu hành của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là :

- Trì niệm theo Thiền tông ;
- Xử sự theo Nho giáo.
- Luyện tinh, khí, thần theo Lão giáo.
- Ấn quyết, thần chú theo Mật tông.
Vào ngày 15 tháng 07 năm Tân Tỵ (1881), nhân dịp một buổi hành lễ lớn, thực dân Pháp cho quân vào đàn áp, bắt bớ bắn giết khiến mọi người phải chạy lánh nạn sang Campuchia, sau đó ít tháng lại trở về chỗ cũ. Năm 1885, thực dân Pháp lại đem quân vào càn quét lần thứ hai, đốt phá chùa chiền, khiến mọi người phải chạy trốn, nhưng sau đó ông Ngô Lợi lại dẫn tín đồ trở về. Năm 1887, thực dân Pháp lại cùng tay sai là Tổng đốc Trần Bá Lộc kéo quân vào đàn áp hai lần, bắt nhiều tín đồ đày ra Côn Ðảo và bắt buộc các tín đồ còn lại phải trở về nguyên quán. Năm 1888, ông Ngô Lợi lại bị bắt nhưng trốn thoát nhờ sự che chở của nhân dân quanh vùng này. Như vậy trong 12 năm (1876-1888), thực dân Pháp đã đàn áp đạo TÂHN bảy lần (tín đồ gọi là đạo nạn), đốt phá chùa chiền, bắt bớ, tra tấn, tù dày và đốt nhà cửa tín đồ, quyết triệt hạ đạo một cách vô cùng man rợ.

Ðức Bổn sư Ngô Lợi viên tịch năm 1890 tại núi Tượng. Ít lâu say đó có sự phân hóa trong đạo TÂHN. Vì không còn ai kế vị nên mọi việc đều giao cho ông Trò, ông Gánh phụ trách. Do vậy, mỗi nơi hành đạo khác nhau, thậm chí có một số vị làm phù chú chữa bệnh rơi vào sự mê tín dị đoan làm sai lạc giáo lý ban đầu của đạo. Cho đến năm 1902, tại vùng kinh Vĩnh Tế xuất hiện một nhà sư vóc dáng gầy ốm, ăn mặc kiểu đàn bà, chèo thuyền vừa đi bán khoai vừa giảng đạo "Sấm giảng người đời" được một thời gian thì mất dạng. Dân trong vùng gọi là Sư Vãi bán khoai. Tín đồ TÂHN cho đó là hậu thân cúa Phật Thầy Tân An tái xuất hiện để giảng đạo cứu đời.

3) Ðạo Hòa Hảo :

Người lập ra đạo Hòa Hảo là ông Huỳnh Phú Sổ, sinh năm 1918 tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh An Giang (có sách nói sanh năm 1919). Theo tín đồ đạo Hòa Hảo thì họ tin ông là hậu thân của Phật Thầy Tây An đã nhiều lần chuyển kiếp qua đức Bổn sư Ngô Lợi (1831) (TÂHN), đức Phật Trùm 1868 và Sư Vãi Bán Khoai (1902). Ông lập đạo Hòa Hảo năm 1939 và cũng vừa đi chữa bệnh vừa đi giảng đạo. Ông bị Pháp bắt năm 1940, cho vào nhà thương điên Chợ Quán, sau họ đưa ông về giam Bạc Liêu. Khi Nhật hất Pháp (1945), quân đội Nhật cứu ông Huỳnh Phú Sổ mang về Sài Gòn và trả tự do cho ông năm 1944, từ đó ông tiếp tục đi khuyến nông và giảng đạo trong khu vực Hậu Giang... Năm 1945, ông Huỳnh Phú Sổ có tham gia UBKCNB (Ủy Ban Kháng Chiến Nam Bộ) và sau đó mất tích trong một trường hợp khó hiểu vào tháng Tư 1947 tại Ðốc Vàng (Ðồng Tháp Mười) mà tín đồ Hòa Hảo ngày nay cho rằng ông tạm vắng mặt (?).

Ông Huỳnh Phú Sổ được tín đồ tôn là Huỳnh Giáo chủ, vẫn lấy giáo lý Tứ Ân làm căn bản nhưng chủ trương bài trừ mê tín dị đoan, bỏ lệ cúng kiến, gõ mõ tụng kinh và không vẽ hình đúc tượng. Ông soạn ra một số kinh sách như : Sấm giảng người đời, Thi văn giáo lý... Tại mỗi thôn ấp đều có Ðộc giảng đường để giảng giáo lý Hòa Hảo.

Cuối năm 1944, ông Huỳnh Phú Sổ lập ra Việt Nam Nghĩa sĩ đảng (đảng Dân xã), Mặt trận Quốc gia thống nhất và Mặt trận Quốc gia liên hiệp nhằm mục đích cũng cố địa vị của hoạt động này trong hoạt động chính trị.

Sau khi ông Huỳnh Phú Sổ biệt tích, một số đệ tử như Năm Lửa (Trần văn Soái), Phàn Lê Huê (Nguyễn thị Gấm - vợ Năm Lửa), Hai Ngoán (Lâm Thành Nguyên), Ba Gà Mổ (Nguyễn Giác Ngộ), Chín FM, Trương Kim Cà đua nhau tập hợp tín đồ, thành lập lực lượng vũ trang riêng, cát cứ từng vùng để "mưu đồ bá vương", bóc lột lớp tín đồ nông dân sùng đạo, và có khi họ đánh lẫn nhau. Số chức sắc này hợp tác với Pháp và sau đó lại về đầu hàng Diệm - Nhu (Nguyễn Giác Ngộ được phong thiếu tướng, Ba Cụt trung tá). Nhưng sau ít lâu họ lần lượt bị Diệm - Nhu sát hại hoặc thanh toán bằng cách này hay cách khác. Trong chế độ thực dân cũng như tay sai của đế quốc, một số người đầu cơ chính trị đã lợi dụng đạo Hòa Hảo để truyền bá mê tín, lừa dối nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, đưa họ vào những hành động sai trái đối với Tổ quốc như Hai Lực chỉ huy nóm Dân vệ Hòa Hảo, nhóm Hai Bành... Thế lực đế quốc ngoại bang cũng đã âm mưu lâu dài gây ảnh hưởng văn hóa - kinh tế trong vùng nhân dân Hòa Hảo bằng nhiều biện pháp kinh tế và văn hóa, đặc biệt là đã thành lập Viện đại học Hòa Hảo và cho nhiều sinh viên, trí thức Hòa Hảo đi du học ở Mỹ, Pháp, Nhật...để gây cơ sở và uy tín trong giới trí thức.

Từ 1954 tới ngày giải phóng miền Nam, một số đông anh em binh sĩ trong các trung đoàn của Ba Cụt cũ (trung đoàn Nguyễn Huệ, Lê Quang) ở vùng Ðồng Tháp Mười đã cùng với những cán bộ kháng chiến cũ thành lập lực lượng vũ trang chống Diệm - Nhu từ 1957 và những đơn vị này đã tham gia tích cực vào cuộc đồng khởi ở Ðồng Tháp năm 1960.

4 ) Ðạo Cao Ðài :

Nếu những đạo giáo khác như : Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo phát triển trên cơ sở nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long thì đạo Cao Ðài lại mang bản thể hoàn toàn khác hẳn. Ðạo này được lập ra do một số công chức hạng trung của chế độ thực dân Pháp và những đại diện chủ nghĩa tư sản và công chức của Pháp (từ tri huyện đến thông phán, ký lục, hội đồng...) và phát triển chủ yếu ở Sài Gòn, các đô thị và thị trấn miền Ðông Nam bộ, nơi có tòa thánh Cao Ðài Tây Ninh. Sau đó phát triển ra miền Trung ở Quảng Ngãi và có một thánh thất ở Hà Nội. Ðạo này có tham gia những cuộc họp tôn giáo ở nước ngoài và có lập thánh thất tại Phnom Pênh. Một số bà con Khmer ở Tây Ninh cũng vào đạo Cao Ðài.

Ðạo Cao đài được thành lập là do Ðức Cao Ðài giáng cơ cho ông Ngô Văn Chiêu lúc đang làm Tri phủ ở Phú Quốc vào năm 1921. Năm 1925 ông được đổi về Sài Gòn và cùng lúc đó nhóm của một số công chức của Pháp như Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư... cũng cầu được cơ của Ðức Cao Ðài tìm đến và bàn nhau lập đạo. Sở dĩ đạo có tên gọi "Tam kỳ phổ độ" là vì đã có hai kỳ thượng đế đã lập đạo, nay Cao Ðài là lần thứ ba và lấy thiên nhãn làm biểu tượng.

Ðạo Cao Ðài chủ trương thống nhất các tôn giáo :

Phật giáo : Thích Ca Mâu Ni
Tiên giáo : Lão Tử
Nho giáo : Khổng Tử
Thánh giáo : Jésus Christ
Thần giáo : Mahomet
Việc lãnh đạo giáo hội do ba cơ quan là Bát quái đài, Hiệp thiên đài do Hộ pháp cai quản và Cửu trùng đài do Giáo tông cai quản. Phía trước Tòa thánh Tây Ninh có vẽ thiên nhãn và một bảng hiệu trong có ghi hàng chữ : Dieu, Humanité, Amour, Justice (Thượng đế, Nhân loại, Tình thương, Công lý) và hình ba vị thánh là Tôn Dật Tiên, Victor Hugo và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngoài ra đạo Cao Ðài còn thờ các vị thần, thánh của các tín ngưỡng và tôn giáo khác như : Brahma, Civa, Krishna (Vishnou), Khương Thái Công, Quan Công, Lý Thái Bạch, Quan Thế Âm. Về kiến trúc, điêu khắc, cách thờ phụng, y phục, kinh kệ của đạo Cao Ðài là sự pha tạp, hỗn hợp của đủ các thứ tín ngưỡng và tôn giáo Ðông, Tây, kim, cổ ; do đấy được mệnh danh là đạo hỗn hợp (Syncrétisme). Ðạo Cao Ðài có xu hướng thân Nhật ngay từ đầu và suốt từ 1945 đến 1954, lúc thì họ hợp tác với Nhật để đánh Pháp (Trần Quang Vinh chỉ huy quân lực Cao Ðài), lúc thì họ hợp tác với Pháp để chống lại nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp (lực lượng Cao Ðài của Nguyễn Thành Phương, Lê văn Tất). Sau hiệp định Genève (1954), họ lại hợp tác với Diệm -Nhu (Trịnh Minh Thế, Nguyễn Thành Phương...). Cũng có một số tín đồ Cao Ðài đã giác ngộ Cách mạng và tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, liên hiệp hành động với MTDTGPMNVN như lực lượng Cao Ðài của thiếu tá Huỳnh Thanh Mừng đã liên hiệp hành động với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam trong thời kháng chiến chống Mỹ.

Tín đồ Cao Ðài phần lớn ở khu vực Tây Ninh, Bến Tre và thành phố Hồ Chí Minh. Tới nay đạo này đã phân hóa thành nhiều nhóm và không thống nhất với nhau. Số tín đồ toàn Nam bộ lối một triệu người. Ðạo Cao Ðài chia ra nhiều chi phái như Cao Ðài Nguyễn Ngọc Tường, Cao Ðài Câu Khe, Minh Ký...

5 ) Ðạo Dừa :

Ðạo Dừa do ông Nguyễn Thành Nam sanh năm 1909 tại Phước Thạnh (Bến Tre) lập ra. Ông đậu kỹ sư hóa học ở Pháp, đã có vợ con. Ðến năm 1943, ông bỏ gia đình vào núi Thất Sơn tu khổ hạnh. Một thời gian sau, ông trở về và ở nhiều nơi để tu đạo, từ Sài Gòn tới Mỹ Tho, Bến Tre. Ðến năm 1964 ông dựng tại cồn Phụng thuộc tỉnh Bến Tre một đài bát quái cao 18 mét để ngồi tu, người ta đồn rằng hàng ngày chỉ uống nước dừa để sống, do đấy có tên là Ðạo Dừa. Ông cũng có ăn thêm trái cây và đặc biệt vài năm mới tắm có một lần và ở trên đầu tóc đanh lại. Ðạo Dừa chủ trương thờ cả Phật Thích Ca lẫn Chúa Jésus, không dựng cốt Phật, chỉ dựng Cửu trùng đài và theo cả giáo lý Phật, Lão, Nho. Sau mỗi lần tụng niệm (những bài tụng do ông viết ra) đều đọc Nam Mô A Di Ðà - Amen. Ông tự xưng là Thiên nhơn giáo chủ Thích Hòa Bình Nam Nguyễn Thành, và nơi tu tại cồn Phụng có tên là chùa Nam Quốc Phật. Ông mua một chiếc tàu cũ, sửa lại và đặt là thuyền Bát nhã (nay là nhà hàng nổi của Công ty Ăn uống tỉnh Bến Tre), lấy làm nơi tu hành. Trong thời chiến tranh chống Mỹ, có một số người Mỹ đến tu với ông Ðạo Dừa, trong số này có con trai của nhá văn J. Steinbeck với những lý do không bình thường. Tín đồ Ðạo Dừa ngày càng phân hóa thành nhiều nhóm nhỏ đi các nơi lập chùa miếu như nhóm Ðạo Chín Hồng ở Thủ Ðức, nhóm Nguyễn Văn Sự ở Long Thành, nhóm Hòa đồng tôn giáo của Lý Văn Thạnh ở Chợ Lớn... mang nặng tính mê tín dị đoan. Số tín đồ Ðạo Dừa không đông lắm, chỉ tập trung tại cồn Phụng và không có ảnh hưởng tới nơi khác.

6 ) Những nhóm đạo giáo khác :

Ngoài những tôn giáo lớn và đạo giáo kể trên tại Sài Gòn và Nam bộ, còn có nhiều nhóm đạo giáo khác được hình thành, nhất là sau hiệp định Genève 1954.

Ta có thể kể đến :

- Hội Thông thiên học.
- Ðạo Ba-hai (Baha'i-gốc ở Arab).
- Ðạo Subud (gốc ở Indonesia).
- Việt Võ Ðạo.
- Hồng môn Minh đạo.
- Tổ tiên Chính giáo.
- Thiên khai Huỳnh đạo.
 và v.v...

Những nhóm đạo giáo này không phát triển rộng rãi và chỉ có một số ít đồng bào theo đạo vì tin vào "phép lạ", thần quyền và mê tín dị đoan. Sau ngày giải phóng miền Nam (30.04.1975), những nhóm đạo giáo này phần lớn đã tự giải tán. Ðể ổn định và hóa giải những sự tồn tại trong các đạo giáo kể trên, điều quan trọng là chúng ta phải thấy đại đa số tín đồ các đạo này là nông dân nghèo, chưa có trình độ văn hóa và khoa học nên dễ bị ảnh hưởng về dị đoan mê tín, thần quyền. Ðồng thời bà con nông dân đều có tinh thần yêu nước nồng nàn, có tâm hồn chất phác, cần cù chịu khó, hào hiệp và có truyền thống bảo vệ văn hóa dân tộc.

Giải quyết vấn đề ở đây cơ bản vẫn phải là nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, đưa khoa học kỹ thuật vào cuộc sống, chống quan liêu, tham nhũng, bóc lột, dù bất cứ dưới dạng nào. Vấn đề công bằng xã hội, tự do tín ngưỡng phải được bảo đảm triệt để, để bảo đảm thực thi chính sách, đường lối của Nhà nước./.
 

Phan Lạc Tuyên


Nguyệt San Giác Ngộ số 30-32 (tháng 9/1998)
Nguyên Ninh đánh máy



 [ Trở Về ]