Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page]
 
Khởi nguyên của Phong trào Thanh niên Phật tử
(Trích Việt Nam phật Giáo Sử Luận III)
Nguyễn Lang

Cũng vào khoảng năm 1940, cơ sở của tổ chức Thanh Thiếu Niên Phật Tử được thành lập. Từ 1932 những tổ chức thiếu niên thiếu nữ đã có mặt rồi, được gọi là những ban Ðồng Ấu, ở Trung thì do các vị như Bửu Bác chăm sóc dạy dỗ, ở Bắc thì do các vị như Công Chân luyện tập. Tuy nhiên những ban Ðồng Ấu này chưa đích thực là những tổ chức giáo dục thanh thiếu niên theo phương pháp mới. Năm 1940, Tâm Minh Lê Ðình Thám quy tụ một số thanh niên trí thức tân học tại Huế, phần lớn là con cháu các cư sĩ đã từng hoạt động trong hội An Nam Phật Học, và thành lập đoàn Thanh Niên Phật Học Ðức Dục. Ông cũng gọi cái tổ chức ấy bằng danh từ Pháp ngữ "Comission d'Etudes Bouddhiques Et De Perffectionnement Moral". Ðích thân ông đứng ra hướng dẫn cho đoàn và dạy Phật pháp cho họ. Những thanh niên tân học này không học Phật pháp bằng những văn bản Hán văn nữa. Họ được nghe trình bày đạo Phật theo đường lối tân học, cho nên họ hiểu giáo lý rất mau chóng. Ðồng thời với Phật học, họ còn được học Nho học và Lão học nữa. Ông Ðinh Văn Chấp, tiến sĩ Hán học, đã tham dự vào việc giảng huấn cho lớp này. Ông đã giảng các sách Ðại HọcTrung Dung của Nho giáo.

Ðoàn Thanh Niên Phật Học Ðức Dục lúc ấy là tượng trưng cho một đạo Phật rất "mới". Bài Ca chính thức của đoàn được soạn và hát ca bằng tiếng Pháp ! Ðiều này khiến cho giới thiếu niên thấy rằng đạo Phật là một cái gì rất "hợp thời", không còn cổ hủ nữa. Ðây là "Bài Hát Chính Thức" sau này. Lời Pháp hồi ấy như sau:

Rangeons nous, mes amis
pour chanter gaiement en choeur
Portons tous vers Bouddha
notre foi et notre ardeur
Engageons-nous à tout prix
sur la route qui monte brille
Et ce chant s'élevera
pour unir nos jeunes coeurs
Nhiều ban Ðồng Ấu mới được thành lập, và những ban này bắt đầu hướng dẫn, học tập và rèn luyện bởi những đoàn viên của đoàn Phật Học Ðức Dục. Cuốn sách căn bản về Phật học để giáo dục thanh thiếu niên hồi ấy là cuốn Phật Giáo Sơ Học được đoàn Phật Học Ðức Dục soạn và ấn hành năm 1942. Thấy thế hệ trẻ làm việc có hiệu quả, Lê Ðình Thám giao cho họ việc biên tập Viên Âm và sử dụng tạp chí này để tạo dựng một thế hệ Phật tử mới. Từ số 48 trở đi (1), Viên Âm đổi mới hoàn toàn. Hầu hết mọi bài vở đều do đoàn viên Ðoàn Phật Học Ðức Dục viết. Văn của họ mới, gọn và dễ hiểu, hướng cả về tuổi trẻ. Truyện tiền thân của họ viết làm say mê thiếu niên và thiếu nữ (2). Trong phần Pháp văn họ viết về sự thực tập thiền định (Pratique de la Méditation), giới thiệu phần thực tiễn và tinh ba nhất của đạo Phật cho giới tân học.

Rất nhiều đoàn viên của đoàn Phật Học Ðức Dục đã đóng góp bài vở cho Viên Âm: Lê Hữu Hoài, Phạm Hữu Bình, Lê Bối, Trần Ðỗ Cung, Ngô Ðiền, Nguyễn Năng Viên, Nguyễn Hữu Quán, Võ Ðình Cường, Ðinh Văn Vinh, Hoàng Kim Hải, Trực Hiên, Hà Thị Hoài, Nguyễn Khải, Ngô Ðồi. Phạm Hữu Bình là một trong những người có kiến thức giáo lý vững chãi nhất. Ông đã viết về Duy Thức trong nhiều số Viên Âm.

Ðoàn Phật Học Ðức Dục lại có tổ chức Phật Học Tùng Thư và xuất bản nhiều sách Phật, trong đó có cuốn Phật Giáo Và Thanh Niên Ðức Dục của Phạm Hữu Bình và cuốn Phật Giáo Và Ðức Dục của Ðinh Văn Vinh. Hai cuốn này đều nhằm đến sự xây dựng phong trào thanh niên Phật tử.

Trong những năm 1942, 1943 và 1944, các lớp Phật pháp được tiếp tục tổ chức cho thanh niên tân học vào mùa nghỉ hè và cư sĩ Tâm Minh luôn luôn phụ trách việc giảng dạy. Vào ngày Phật đản năm 1944, một đại hội Thanh Thiếu Niên Phật Tử được tổ chức tại rừng Quảng Tế. Ðại hội này khai sinh Gia Ðình Phật Hóa Phổ, tiền thân của tổ chức Gia Ðình Phật Tử sau này.

Nguyễn Lang

Chú thích

(1) Viên Âm số 48 xuất bản vào tháng Năm 1942

(2) Ví dụ Cặp Mắt Của Thái Tử Câu Na La của Lê Hữu Hoài (Viên Âm số 52, tháng Chín 1942) và Ưu Ðà Di của Trực Hiên (Viên Âm số 58, tháng Ba 1943).



[ Trở Về ]