Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page
Ðiểm sách
 
Nghiên Cứu Về Thiền Uyển Tập Anh
Tác giả Lê Mạnh Thát

Nguyễn Ðức Sơn đọc

Thiền uyển tập anh ( TUTA ) là một tư liệu rất quan trọng không những đối với Phật giáo Việt Nam mà còn cả với nền văn học, tư tưởng và lịch sử của dân tộc. Từ lâu, nó là một nguồn cứ liệu đáng tin cậy và đồng thời còn là một đối tượng nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội, đặc biệt là lĩnh vực văn học, tư tưởng và lịch sử của dân tộc trong giai đoạn từ thế kỷ VI đến thế kỷ XIII. Tuy nhiên, hầu hết các công trình nghiên cứu về TUTA đều khảo sát tác phẩm này dưới góc độ văn học và tư tưởng, cũng như mới dừng lại ở việc phiên âm dịch nghĩa mà chưa thấy một công trình nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện, nhất là về việc xác định giá trị của nó dưới góc độ văn bản học. Ðây là một khoảng trống đồng thời cũng là một thách thức đối với nhiều nhà khoa học. Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh  của tác giả Lê Mạnh Phát là một công trình đầu tiên lấp khoảng trống này.
Nội dung của sách  Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh ,do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thực hiện, gồm có 7 phần.
Phần I : Nghiên cứu về TUTA dưới góc độ văn bản học, qua các truyền bản đời Trần, Hồ, truyền bản 6 quyển, truyền bản đời Lê sơ, Lê I và II, truyền bản đời Nguyễn và thủ bản A.2767, với các vấn đề chính như tên gọi, niên đại biên soạn và tác giả, nguồn tư liệu và phương pháp viết lịch sử...
Phần II : là bản dịch của TUTA.
Phần III : được tác giả dành để chú thích TUTA.
Phần IV : là phụ lục, gồm các trích bản đời Trần, Hồ, Lê sơ và bạt hậu.
Phần V : là thư mục chú thích.
Phần VI : Ðể tiện cho người đọc tra cứu, tác giả lập bản sách dẫn (index) ở VI.
Phần VII : là nguyên văn chữ Hán của TUTA bản Lê I (1715), một bản đã bị thất lạc theo như xác nhận của Viện Hán Nôm trong Di sản Hán Nôm Việt Nam III ( NXB. KHXH, HN, 1990) .
Ðây là một tài liệu tham khảo không thể thiếu đối với những ai quan tâm đến các vấn đề quốc học nói chung và Phật giáo dân tộc nói riêng.

Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh
NXB. TP. HCM, 1999,845 trang.











 [ Trở Về ]