Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page
Ðiểm sách
 
The Literature of the Personalists of Early Buddhism 
(Văn học của các nhà Nhân thể luận trong Phật giáo Nguyên thủy).
Tác giả Thích Thiện Châu

Trần Tuấn Mẫn đọc

Tháng 3.1997, viện Nghiên cứu Phật học Việt nam vừa ấn hành tác phẩm Anh ngữ, The Literature of the Personalists of Early Buddhism (Văn học của các nhà Nhân thể luận trong Phật giáo Nguyên thủy). Ðây là bản dịch của Sara Boin-Webb từ nguyên bản Pháp ngữ "La littérature des personnalistes du Bouddhisme Ancien" luận án Tiến sĩ Quốc gia về Văn học và Khoa học Nhân văn do hòa thượng Thích Thiện Châu thực hiện và đệ trình tại đại học Sorbonne Nouvelle (Paris III) năm 1977. (1)

Luận án minh họa, phân tích, nhận định và hệ thống hóa học thuyết Nhân thể luận (Pudgalavàda), một học thuyết xuất hiện khoảng 200 năm sau khi đức Phật nhập Niết bàn và được phổ biến phát triển suốt hơn 10 thế kỷ. Qua đó, khởi từ trường phái Vàtsìputrìya và các trường phái kế tiếp như Sàmmitìya, Dharmottarìya, Bhadrayàniya, Sandàgàrika..., các nhà Nhân thể luận (Pudgalavadin) đã nỗ lực nghiên cứu, trích dẫn từ giáo lý chính thống của đức Phật và đưa ra những quan điểm, những giải thích về sự hiện hữu của một "nhân thể" (pudgala) như một thực thể tồn tại bất biến trong mỗi chúng sanh. Học thuyết được sự ủng hộ của đông đảo giới học Phật nhưng mặt khác, lại bị chỉ trích, bị phê phán gay gắt từ đông đảo những người khác, nhất là những nhà Thượng tọa bộ (Theravadin) và Nhất thiết hữu bộ (Sarvastivadin). Những người phản bác cho rằng Nhân thể luận trái với tinh thần Vô ngã của Phật giáo, thậm chí có người cho rằng Nhân thể luận làm rối rắm, làm hư hoại giáo lý của đức Phật. Ðáp lại những công kích, các nhà Nhân thể luận đã cố gắng chứng minh rằng "Nhân thể" không phải là "Ngã" (Atman) theo như đa số quan niệm rằng "Nhân thể luận" không hề trái nghịch với học thuyết Vô ngã của Phật giáo.

Những đồng tình và những phê bác Nhân thể luận vẫn tiếp tục trong nhiều thế kỷ và vấn đề xem ra vẫn chưa ngã ngũ. Ðến khi văn học Nhân thể luận không còn được triển khai thêm (thế kỷ XII) thì vấn đề vẫn bỏ ngõ, dù rằng sau đó và mãi cho đến ngày nay, thỉnh thoảng vấn đề lại được khơi lên, lắm khi thiếu những trích dẫn tài liệu trực tiếp và cụ thể. Hậu quả là Nhân thể luận bị diễn dịch không đúng, bị phê phán thiếu căn cứ. Sở dĩ như vậy là vì các sách vở, tư liệu về Nhân thể luận hầu hết đã bị thất lạc, mất mát, chỉ còn một số rất ít những nguồn gián tiếp, nhất là từ các tác phẩm đối nghịch với Nhân thể luận.

Chọn lọc được gần 160 tác phẩm từ kinh điển Nguyên thủy đến các tư liệu, văn bản Hán, Phạn, Pali, Tây tạng ngữ cũng như các công trình nghiên cứu của nhiều học giả Ðông Tây xưa và nay, hòa thượng Thích Thiện Châu đã lần dò, đối chiếu sắp xếp các nội dung một cách hệ thống, khoa học và sáng tạo để nỗ lực tìm ra ý nghĩa chân thực của Nhân thể luận. Bốn tác phẩm Hán văn sau đây được xem là những căn cứ quan trọng nhất :

1. Tam Pháp độ luận (Tridharmakasastra) do ngài Sơn Hiền dịch năm 391, trình bày một hệ thống các điểm cơ bản của học thuyết Nhân thể luận qua các bộ A hàm.

2. Tứ A hàm mộ Sao Giải do ngài Kim Hiền soạn, có lẽ cùng gốc với Tam Pháp độ luận vì có nội dung tương tự. Không biết tác phẩm được soạn vào từ lúc nào, nhưng bản dịch của ngài Kumarabodhi được thực hiện năm 392.

3. Tam di để bộ luận ( Sàmmitiyanikayasastra), khuyết danh tác giả và dịch giả, có lẽ thuộc đời Tần (385-431). Tác phẩm trình bày về một thực thể bất diệt.

4. Luật Nhị Thập Nhị Minh Liễu Luận, gồm 22 bài kệ giải thích về luật với những khái niệm cơ bản về luật tạng (Vinayanipitaka). Tác giả là Buddhatràta (?), người dịch là Paramartha (500-569).

Sau đây là ba nhận định cơ bản khiến các nhà Nhân thể luận chủ trương có một "nhân thể" (pudgala) trong mỗi chúng sanh :

1. Về Ngũ uẩn, phải có một cái gì đó khác hơn sự tập hợp của sắc, thọ, tưởng, hành, thức để tạo thành con người. Phải có một yếu tố kết hợp các quá trình sống của một người, đó là tính tương tục trong diễn biến nhân quả. Ðã có tính tương tục thì phải có chủ thể của tính tương tục ấy. Chủ thể ấy chính là "nhân thể".

2. Về ý nghĩa Luân hồi, "Nhân thể" là một khẳng định sự nối kết quá khứ, hiện tại và vị lai. Ðấy là tính tương tục của một người, khiến người ấy vẫn là người ấy. Nó như một dòng nước tâm vật lý chảy suốt từ quá khứ đến hiện tại và đến vị lai. "Nhân thể" nhận lấy quả báo về hành động của một người. "Nhân thể" là "lý do hiện hữu" (raison d'être) của thiện hạnh.

3. Về ý nghĩa tịch diệt, "Nhân thể" là cứu cánh của sự chứng ngộ, giải thoát của chư Phật và chư A la hán. "Nhân thể" chính là con người giải thoát tối thượng vậy.

Luận án dày trên hai trăm trang chữ cỡ nhỏ (chưa kể lời tựa của Giáo sư André Bareau và lời nói đầu của tác giả), khởi từ những phân tích lịch sử các trường phái, phân tích văn học triết học, có khi rất chi li cho đến từng câu kệ, đoạn kệ, thậm chí đến từng từ ngữ (ví dụ từ Nhân thể pudgala, đối chiếu với các từ nhân, cá nhân, linh hồn, ngã, sinh thể..., purusa, pums, atman, jiva, satva...) qua các ý nghĩa thông thường và chuyên biệt ; để rồi nêu rõ học thuyết Nhân thể luận và 15 đề tài phụ về hữu thể bất diệt, về 12 loại trí trong kiến đạo, về giới, công đức, về tính bất định của pháp tướng, về Niết bàn, các sinh thú.

Xuyên qua luận án, tác giả nêu rõ quan điểm Nhân thể luận :

1. Xác định có sự hiện hữu của một "Nhân thể" như là pháp bất diệt (avipranasadharma), đồng thời bác bỏ những lập luận của Ðoạn diệt luận (Ucchedadrsti) và Vĩnh cửu luận (Sasvatadrsti).

2. "Nhân thể" không đồng nhất với Ngũ uẩn, cũng không khác Ngũ uẩn.

3. "Nhân thể" phù hợp với học thuyết Trung đạo của đức Phật.

4. "Nhân thể" không trái ngược với học thuyết Vô ngã của đức Phật.

Có lẽ tác giả, qua luận án, muốn đề nghị người đọc có một cái nhìn khách quan, vô tư, rộng rãi và đúng đắn hơn về Nhân thể luận, xem đấy là một diễn dịch tích cực về Phật pháp, giống như cách diễn dịch của các nhà Ðại thừa từ giáo lý Nguyên thủy. Ðược như vậy thì Phật giáo càng trở nên phong phú, linh động, xứng đáng là một tôn giáo, một triết học lớn vào bậc nhất của nhân loại.
 
 

(1)  a- bản Pháp ngữ "La littérature des personnalistes du Bouddhisme Ancien" đã được tái bản vào tháng 3-1999, Editions de Ho Chi Minh Ville
      b- một bản anh ngữ được xuất bản năm 1999 tại Ấn Ðộ:
Edition: MOTILAL BANARSIDASS, 41 U.A. Bugalow Road, Jawahar
             Nagar, DELHI      110 007



 [ Trở Về ]