Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang Chủ
Bồ Ðề Tâm

HT Thích Trí Quảng

Pháp Phật nhiều vô lượng, thường được diễn tả có 84.000 pháp môn, từ việc cúng dường, xây chùa, đúc tượng, ấn tống kinh điển cho đến nhóm cát làm pháp Phật hay chỉ niệm một câu Nam mô Phật... tất cả đều là phương tiện giúp chúng ta phác bồ đề tâm, hành Bồ tát đạo cho đến ngày chứng đắc quả vị toàn giác.

Như vậy điều quan trọng chính yếu của hàng đệ tử Phật, trên bước đường tu hành, trước tiên, dù xuất gia hay tại gia đều cần phải phát bồ đề tâm.

Ðức Phật dạy rằng ai cũng có bồ đề tâm, nhưng vì trải qua nhiều đời, chúng ta bị ngũ uẩn bao bọc, ngăn che, trần ai làm ô nhiễm nên không phát được bồ đề tâm. Vì vậy, dù bồ đề tâm có sẵn, mà không đủ duyên cũng không thể phát.

Bồ đề tâm phát khởi từ đáy lòng, từ thâm tâm thôi thúc hành giả tu, không thể làm khác được. Ðiển hình như đức Phật khi còn là Thái tử, sống trong cung vàng điện ngọc, sung sướng tột đỉnh, nhưng Ngài vẫn cảm thấy đây không phải là thế giới của mình. Giàu sang quyền lực nhất thiên hạ mà Ngài nắm sẵn trong tay cũng chẳng đủ sức cám dỗ Ngài, chẳng qua vì bồ đề tâm luôn vang vọng trong tâm hồn. Vì thế, từ thuở thanh xuân, Ngài đã cảm nhận cuộc đời này chỉ là giả tạm, vô ngĩa. YÙ thức ấy càng thấm đậm hơn, khi Ngài dạo chơi bốn cửa thành, chạm trán với cảnh khổ đau của bệnh hoạn, già nua, chết chóc. Và hình ảnh thanh thoát của vị sa môn khơi dậy nơi Ngài một cái gì cao quý, vĩnh hằng bất tử, nói khác tâm bồ đề Ngài đã được đánh thức. Phần lớn, chúng ta phải nếm mùi cay đắng, thất bại, khổ đau rồi mới phát tâm tu. Nhưng đối với người có căn lành lớn dù sống trong nhung lụa họ vẫn ý thức cuộc sống ở Ta Bà vô thường, tạm bợ. Từ đó
phát tâm, dấn thân tìm cầu nếp sống cao cả, chẳng từ gian nan, cần khổ vượt khó, trong khi người tu vì lợi dưỡng không thể đi trọn con đường thánh thiện.

Bồ đề tâm đã phát rồi, cần được nuôi dưỡng, giữ gìn, giúp nó phát triển, lớn mạnh cho đến ngày thành Phật mới là việc khó, ít ai thành công được. Tổ Quy Sơn cũng xác nhận việc giữ gìn bồ đề tâm tối quan trọng, không đơn giản.

Làm cách nào để nuôi dưỡng bồ đề tâm? Ðối với các bậc Bồ tát thị hiện, phước đức quá lớn, không gì có khả năng lay chuyển, làm tổn hại tâm bồ đề của các Ngài. Tuy nhiên, với hàng phàm phu tầm thường như chúng ta, bồ đề tâm mới phát, mà trần lao nghiệp chướng nhiều, chắc chắn dập chết tâm bồ đề chúng ta ngay. Ðây là điều chúng ta cần suy nghĩ, cân nhắc trên đường tu.

Theo tôi, muốn nuôi được bồ đề tâm, chúng ta phải phát đúng thời, đúng chỗ, đúng đối tượng. Ba điều này không hội đủ, bồ đề tâm dễ bị hao gầy cho đến chết mất. Ví dụ như ta gieo hại giống vào lúc hạn hán, nhất định không thể nẩy mầm, lên cây được. Phải lựa mùa thích hợp mới gieo trồng để hưởng quả tốt. Thực tế cho thấy, có người vừa đọc quyển sách giải thích nghĩa lý thâm sâu của Phật dạy hoặc vừa nghe thuyết pháp, phát bồ đề tâm muốn tu. Nhưng gặp bạn rủ làm việc khác, bồ đề tâm bị héo liền, niệm tâm trước thích tu, niệm tâm sau đổi khác, chẳng màng đến nữa. Hoặc có người gặp vị chân Tăng, phát tâm tu ngay. Ðến khi vào chúng hội, sống chung với người đồng hành không giống như ta nghĩ tưởng, khiến chúng ta nản lòng. Và sau đó, vì nghiệp chướng trần lao nhiều, trở về nhà cũng chạm trán với những cái bất như ý, thế là bồ đề tâm thối luôn. Không có minh sư, gặp bạn xấu và có nhiều cám dỗ lôi kéo, tất cả những bao vây xấu ác ấy giết chết tâm bồ đề vừa chớm phát.

Riêng tôi, cuộc đời tu hành vững chắc nhờ thân cận minh sư, pháp lữ đồng hành tốt, không gặp cám dỗ, gặp hoàn cảnh tốt nhiều hơn xấu, nói khác, tôi phát tâm đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng.

Thật vậy, tôi học đạo với Hòa thượng Trí Ðức là bậc chân tu, Hòa thượng Trí Tịnh là vị thật học và Hòa thượng Thiện Hòa là vị quyết lòng độ sanh. Cuộc sống các Ngài thể hiện đúng chánh pháp, thành tựu công đức, tác động tôi lập chí noi gương các Ngài, nuôi lớn tâm bồ đề. Trái lại, không may gặp thầy tu lâu, nhưng sanh chứng, nhiễm thế gian, đòi hoàn tục. Họ đầu độc ta bằng lời cảnh cáo: "Tôi tu 50, 60 năm còn chẳng được gì, ông liệu cái thân ông tới đâu!". Cảnh đó dễ làm chúng ta khựng lại, nghi ngờ không chừng họ nói đúng, họ tu lâu vậy còn chẳng được lợi lạc, trong khi chúng ta mới tu thì thấm vào đâu, làm chúng ta nhụt chí. Vì vậy, nếu tu sai, không đắc đạo, tác động người khác bỏ tu, bị coi như phạm tội phá pháp là tội rất lớn. Ngoài việc gặp đúng đối tượng chân chính để phát tâm bồ đề, việc phát tâm đúng lúc cũng không kém quan trọng. Như tôi may mắn tu học đúng vào lúc Phật giáo được chấn hưng, Phật học đường vừa được thành lập. Tuy lúc đó trường còn thiếu thốn nhiều mặt, nhưng nhờ giáo dưỡng của các vị minh sư chân tu thật học, mà
tôi được mở mang trí tuệ, an trú trong chánh pháp. Càng tiến sâu vào việc tu học, thấy biết về cuộc đời càng chính xác, việc làm càng có ý nghĩa, tức bồ đề tâm đã được nuôi lớn, giúp ta tiến nhanh trên đường tu, không thể nào hư hỏng, bỏ cuộc.

Trái lại, phát tâm không đúng lúc, muốn tu không được cho phép, muốn học thì không có trường, nên trần lao nghiệp chướng bộc phát, làm chết bồ đề tâm. Ví dụ vào năm 1975, rất khó tiến tu, vì lúc đó, các sư hoàn tục khá đông và việc tu học lại bị hạn chế nhiều mặt, không có trường dạy đạo. Thiếu chất liệu nuôi dưỡng bồ đề tâm, thì tất yếu phải thối tâm. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây việc tu học được rất nhiều thuận lợi dễ dàng. Với hướng đổi mới, trong nước có 30 trường Cơ bản, 2 trường Cao cấp, 2 trường Cao đẳng Phật học và các khóa chuyên đào tạo giảng sư ĩ. Phát tâm tu trong hoàn cảnh có nhiều phương tiện tốt cho việc thăng hoa tri thức, đạo đức, chúng ta dễ dàng phát triển nếp sống đạo.

Sau khi đã phát tâm bồ đề, chúng ta nên tìm dinh dưỡng để nuôi bồ đề tâm lớn mạnh, đừng cho mất. Chất liệu nuôi sống bồ đề tâm là pháp Phật. Tu mà không tụng kinh, không nghe Pháp, không thiền định thì đời sống tâm linh chúng ta thành yếu đuối, bệnh hoạn. Bồ đề tâm cần ăn đề hồ của diệu pháp và uống sữa Thiền định mới khỏe mạnh.

Ðề hồ của diệu pháp mà bồ đề tâm hấp thu được, nghĩa là khi đọc tụng kinh điển, tâm hồn chúng ta trở nên an lạc, hiền dịu hoặc khi nghe pháp, chúng ta an trú trong pháp hỷ lạc, trần lao chẳng thể khuấy động. Trái lại, tụng kinh nhiều hay nghe pháp lâu, mà cuộc sống vẫn đầy đủ tham sân, phiền não, đố kỵ, là biết không có bồ đề tâm hay không tiếp thu được dinh dưỡng của diệu pháp. Người có bồ đề tâm nên ăn được pháp mầu của Phật, tụng kinh, nghe pháp với niềm hăng say thích thú và thể hiện tinh ba đạo pháp trong lời nói, trong việc làm, trong cuộc sống hằng ngày của chính họ. Ðược như vậy mới có thể tiến xa trên đường đạo.

Song song với tụng kinh, nghe pháp, chúng ta thực hành Thiền định để nuôi lớn bồ đề tâm. Không Thiền định, tâm không bình ổn, chỉ sống với vọng thức, lăn xăng nghĩ tưởng đủ thứ sai lầm, từ đó phát triển nghiệp chướng trần lao, tu như vậy cùng kiếp cũng chẳng được gì.

Người có bồ đề tâm thường sống trong chánh định, không thích tiếp xúc với đời hoặc khi hành Bồ tát đạo, cần phải tiếp xúc, thì cũng tiếp xúc bằng bồ đề tâm, nghĩa là dùng tâm thanh tịnh đối xử với đời. Vì vậy, để bồ đề tâm tăng trưởng, đòi hỏi chúng ta cần có đời sống trầm mặc, không bị phiền não quấy rầy. Ðức Phật Thích Ca được tôn kính là đấng năng nhơn trầm mặc vì Ngài thanh tịnh tuyệt đối, tức luôn an trụ chánh định.

Thiết nghĩ thực chất của Thiền giúp tâm đứng yên, không khởi vọng thưc hơn thua, ham muốn và phát triển chơn tánh. Hoàn cảnh không chi phối, nên bồ đề tâm mỗi ngày lớn lên, thấy rõ giáo nghĩa sâu sắc và tác động cho tâm, càng yên tĩnh cao hơn.

Tóm lại, bước theo dấu chân Phật, chúng ta đọc tụng kinh điển, suy nghĩ nghĩa lý sâu xa tìm ẩn bên trong và sau cùng biến pháp tiếp thu được thành sự sống thực của chính mình, mang lại an lạc, sáng suốt cho ta và người. Mong rằng tất cả phát bồ đề tâm đúng như pháp và siêng năng dùng cơm Thiền, nước pháp để trưởng dưỡng bồ đề tâm thăng hoa cho đến ngày đạt quả vị Chánh đẳng giác.

HT Thích Trí Quảng
Trang Web nầy được nhóm Phật Tữ VN HNH Sưu tập, thiết kế và trình bày
Source :   Trang Lotus Net


 [ Trở Về ]