Người Cư Sĩ          [ Trở Về ]

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP I
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Th nh Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn h nh 
HÒA THƯỢNG
THÍCH THIỀN TÂM
(1925 - 1992)

Hòa thượng pháp danh Thiền Tâm, pháp hiệu Liên Du, tự Vô Nhất thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 43, thế danh Nguyễn Nhựt Thăng, sinh năm 1925 (Ất Sửu) tại xã Bình Xuân, Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Song thân là cụ Nguyễn Văn Hương và cụ Trần Thị Dung pháp danh Giác Ân. Ngài là người thứ 10 trong số 13 anh em, 4 trai, 9 gái.

Xuất thân từ gia đình Nho giáo kính tín Tam Bảo. Sáu tuổi, Ngài đã cắp sách đến trường học quốc ngữ song song với Nho học. Lúc thiếu thời, Ngài đã bộc lộ thiên tư tài hoa văn nhã, bẩm chất cao khiết, và là người con chí hiếu với cha mẹ. Do vì thấy mẹ đau yếu triền miên, năm 12 tuổi, Ngài ra đi tìm thầy học thuốc để mong trị lành bệnh cho mẫu thân. Nhân tạm trú học thuốc tại chùa Vĩnh Tràng - Mỹ Tho, Ngài có dịp nghiên tầm Phật điển và nuôi dần ý chí xuất gia tu học.

Năm 18 tuổi, Ngài trở về chăm sóc mẹ đến khi lành mạnh. Sau đó, Ngài khẩn khoản xin phép song đường cho xuất gia, nhưng không được đồng ý. Cuối cùng, Ngài đành phải âm thầm trốn đi (năm Giáp Thân - 1944, lúc 19 tuổi), đến tu tại chùa Sắc Tứ Linh Thứu ở Xoài Hột, và được thế phát xuất gia vào năm Ất Dậu (1945) làm đệ tử của Đại lão Hòa thượng Thành Đạo.

Năm 1948, Ngài thọ giới Sa Di và học ở Phật học đường Liên Hải cùng Phật học đường Nam Việt chùa Ấn Quang cho đến năm 1951 để hoàn tất chương trình Trung đẳng Phật học. Thời gian đó, Ngài được thọ Tỳ Kheo giới tại Đại giới đàn Ấn Quang tổ chức năm 1950.

Từ năm 1951 đến năm 1954, Ngài hoàn tất chương trình Cao đẳng Phật học tại Phật học đường Nam Việt với các vị đồng khóa như: Hòa thượng Bửu Huệ, Tắc Phước, Tịnh Đức, Đạt Bửu, Tịnh Chơn... và Ngài cùng quý thầy lớp Cao đẳng đã phụ giúp đắc lực cho Hòa thượng Giám đốc Thiện Hòa trong việc điều khiển sinh hoạt đại chúng. Ngài làm Tri chúng, Ngài Bửu Huệ làm Tri sự. Lòng khoan dung, tính hòa nhã điềm đạm của Ngài giúp an chúng và thành tựu mọi Phật sự.

Năm 1954, tốt nghiệp lớp Cao đẳng, Ngài xin phép chư Tôn đức trong Ban Giám Đốc lui về nhập thất tịnh tu trong mười năm tại trụ xứ Cái Bè và Vang Quới.

Dù nhập thất tinh tấn chuyên tu, song Hòa thượng không xa rời bi nguyện độ sanh. Trong mười năm ấy, Ngài đã phiên dịch các loại kinh sách chuyên hướng xiển dương pháp môn Tịnh độ, như: kinh Quán Vô Lượng Thọ, Tịnh học Tân Lương, Lá thơ Tịnh Độ, Hương quê Cực Lạc, và giảng dạy cho Ni chúng khắp nơi đến thọ học.

Năm 1964, Hòa thượng Thiện Hòa mở Trường Trung đẳng Chuyên khoa Phật học tại chùa Huệ Nghiêm, Bình Chánh, Sài Gòn. Ngài và hai vị Thanh Từ, Bửu Huệ được mời giao đảm trách việc giáo dục học Tăng. Song song đó, các Ngài còn phụ trách giảng dạy cho học Ni tại Phật học viện Dược Sư. Ngoài ra, Ngài còn giảng dạy tại Phân khoa Phật học thuộc Viện Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn. Trong giai đoạn này, Ngài tập trung biên soạn các bộ sách để làm giáo trình kiến thức Phật học Trung Cao như: Phật học Tinh Yếu, Duy Thức học Cương yếu và phiên dịch sách Tịnh Độ Thập Nghi Luận cùng kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni.

Năm 1967, Ngài đến Đại Ninh, ấp Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, kiến thiết Hương Quang Thất, chuẩn bị cho giai đoạn ẩn tu.

Năm 1968, Hòa thượng chính thức về trụ hẳn ở Đại Ninh, lập nên đạo tràng Tịnh độ. Ngài không câu nệ vào việc nhập thất, mà sẵn sàng tiếp hóa chư Tăng Ni Phật tử đến tham vấn học đạo, Ngài còn soạn thuật: Niệm Phật thập yếu, Tây phương nhựt khóa, Tịnh độ pháp nghi và phiên dịch kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni.

Năm 1970, Ngài xây dựng Hương Nghiêm Tịnh Viện, biến đạo tràng thành một vùng chuyên tu Tịnh độ, cũng là trung tâm xiển dương pháp môn này ở miền Nam. Tăng Ni tín đồ qui tụ về lập am thất trụ lại tu học rất đông. Danh đức của Ngài được lan truyền rộng và Phật tử đến quy ngưỡng ngày càng nhiều. Đặc biệt, ở Hương Nghiêm Tịnh Viện này tâm Tịnh độ là nguồn cảm hứng để Ngài sáng tác rất nhiều thơ văn đượm chất đạo vị, thanh thoát. Thơ văn liễu ngộ tâm cảnh Cực Lạc của Ngài cảm hóa được không biết bao nhiêu đồ chúng hướng về pháp môn này.

Năm 1974, Ngài mở khóa tu học chuyên về pháp môn Tịnh độ trong ba năm, với số Liên chúng 13 vị dưới sự hướng dẫn của Ban Liên Đạo gồm 3 vị: Liên Thủ: Hòa thượng Bửu Huệ, Liên Huấn: Hòa thượng Thiền Tâm, Liên Hạnh: Hòa thượng Bửu Lai.

Từ năm 1975, Ngài viễn ly mọi sự nghe thấy bên ngoài, lặng lẽ nhiếp tâm tu niệm gia trì hai pháp môn Mật Tịnh song hành. Suốt một thời gian dài, Ngài kiên trì nhập thất chăm chắm giải quyết việc lớn sanh tử, song Ngài vẫn soạn dịch bộ: “Mấy Điệu Sen Thanh” và “Tam Bảo cảm ứng lục” để lợi lạc nhân sinh khuyến tu Tịnh độ.

Những ngày cuối cùng cuộc đời ẩn tu hành đạo, Ngài vương chút thân bệnh, trước đó Ngài đã giao phó mọi việc của Tịnh viện Hương Nghiêm lại cho Tăng đồ quản lý điều hành. Ngài cố gắng khắc phục thân bệnh, nổ lực dụng công trì danh hiệu Phật. Cho đến khi cảm nhận thời khắc vãng sinh, Ngài bảo đồ chúng vây quanh trợ niệm, rồi đến 9 giờ sáng ngày 21 tháng 11 năm Nhâm Thân (tức ngày 14-2-1992), Ngài an nhiên thoát hóa, vãng sinh hưởng thọ 68 tuổi, hạ lạp 42.

Cảm thức đức độ của một bậc danh Tăng, lúc sinh thời, các vị tôn túc trong Giáo hội Tỉnh đã cung thỉnh Ngài vào Hội đồng Chứng minh Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng. Trong cuộc đời hành đạo, Hòa thượng là vị Cao Tăng có công lớn trong việc xiển dương pháp môn Tịnh Độ. Sự nghiệp sáng tác và phiên dịch của Ngài để lại cho hậu thế là một vốn quí làm tư lương tu trì và giúp hàng hậu sinh nhận thức sâu rộng trong giáo pháp.

Các tác phẩm của Hòa thượng để lại:

. Kinh Quán Vô Lượng Thọ.
. Tịnh Học Tân Lương.
. Lá thơ Tịnh Độ.
. Hương Quê Cực Lạc.
. Phật học Tinh yếu.
. Duy Thức Học cương yếu.
. Tịnh độ Thập nghi luận.
. Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni.
. Niệm Phật Thập yếu.
. Tây phương Nhựt khóa.
. Tịnh Độ Pháp Nghi.
. Kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni.
. Mấy điệu sen thanh.
. Tam Bảo Cảm ứng lục.



 [ Trở Về ]