Người Cư Sĩ          [ Trở Về ]

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP I
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Th nh Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn h nh 
HÒA THƯỢNG
THÍCH HOẰNG ĐỨC
(1888 - 1992)

Hòa thượng Thích Hoằng Đức, thế danh Nguyễn Văn Cự, sinh năm Mậu Tý (1888), tại làng Nhơn Thạnh Trung, thị xã Tân An, tỉnh Long An, húy Nhật Phú, pháp tự Như Thuận, pháp hiệu Hoằng Đức.

Thân thụ Ngài là ông Nguyễn Văn Ân, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Thành. Gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, phúc hậu và đạo đức.

Vốn xuất thân từ một gia đình như vậy nên Ngài được hấp thụ nhơn lành từ phụ thân, sớm được học chữ Hán và đặc biệt là nghề y học Đông phương. Cộng vào đó, khi song thân giác ngộ Phật pháp thì Ngài lại được truyền đạt những tinh hoa của một tôn giáo lớn của nhân loại. Hằng ngày học hành và phụ giúp cha làm nghề thuốc, lúc nào Ngài cũng tỏ ra hiếu thuận triệt để. Khi đến tuổi lập gia đình, vâng lời song thân Ngài đã kết hôn với người cùng bản sở.

Năm Tân Dậu (1921), sau thời gian chung sống và đã có ba người con (2 gái, 1 trai) thì người vợ qua đời. Cảm nhận được lẽ vô thường, nên Ngài thấy rõ việc cần phải làm trước mắt là sống và tiếp tục nuôi con với nghề thuốc gia truyền do thân phụ để lại, đồng thời phụng dưỡng người mẹ già một cách rất chu toàn. Vì sinh kế gia đình, Ngài phải ngược xuôi sông nước khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, sống đời thanh bần trường chay và thực hiện những thời khóa tu niệm tự vạch riêng cho mình.

Năm Ất Hợi (1935), lúc này Ngài đã 47 tuổi. Nhờ những chuyến buôn bán đường sông nên Ngài đã biết đến chùa Linh Sơn (Cầu Muối - Sài Ggòn) và được học đạo rất nhiều nơi Hòa thượng Hồng Tu - Thiện Huệ trụ trì nơi đây. Do đó khi đã sắp xếp yên bề gia thất, các con đã lớn khôn, Ngài đến thọ giáo, xuất gia với Hòa thượng.

Dù xuất gia muộn, tuổi đã cao, nhưng nhờ ý chí tự lực và vốn tinh hoa Phật pháp được hấp thụ từ nhỏ nên con đường hòa nhập nếp sống thiền gia của Ngài không mấy khó khăn. Ngược lại còn được Hòa thượng Bổn sư và các pháp lữ chung quanh khen ngợi.

Năm Mậu Dần (1938) Ngài 50 tuổi, sau khi được thọ Tỳ Kheo giới tại Đại giới đàn chùa Hội Phước (Bến Tre), Ngài ra Bình Định tham học với Hòa thượng Bích Liên, rồi vào học với Hòa thượng Kiều Đạo - Hoằng Khai ở chùa Hội Tôn (Bến Tre), Hòa thượng Phước Chí ở chùa Thiên Phước (Long An). Sau đó Ngài trở về chùa Linh Sơn tham học với Hòa thượng Phước Chí - Huệ Thông một thời gian rất lâu.

Trong thời gian tu học và hoằng khai chánh pháp, Ngài đã trùng tu, kiến tạo rất nhiều tự viện, như chùa Hội Long, Hưng Phú, Bình An, Linh Tâm, An Châu, Tâm Khánh và nhiều chùa ở các địa phương khác trong tỉnh Long An.

Ngoài những công việc trùng tu, kiến thiết, Ngài còn mở nhiều cuộc thuyết giảng định kỳ hoặc nhân các ngày lễ lớn, thu hút được rất nhiều người nghe, kết quả mỹ mãn.

Ngài đã cho mở hơn 13 khóa an cư kiết hạ, được cung thỉnh làm Đàn chủ nhiều giới đàn trong và ngoài tỉnh. Hàng cư sĩ tại gia được Ngài truyền thụ giới pháp rất đông, không ít người đã trở thành những Phật tử nổi danh đóng góp trong nhiều lĩnh vực xã hội.

Trong các phương pháp tu hành, Ngài chọn một pháp môn để tu trì, nhất quyết trung thành với thời khóa đã đề ra: trì Kinh Kim Cang, niệm Phật và chú Chuẩn Đề. Ngài từng đi bộ trên 20 km để học Luật Tạng khi còn sức. Lúc về già Ngài vẫn thường ôn tập điển chương, lắng nghe pháp nhủ, cả những thông tin Khoa học xã hội để làm cơ sở cho việc giảng dạy Phật pháp.

Năm Quý Hợi (1983), Ngài được suy cử làm Cố vấn và Chứng minh cho Ban Trị Sự Tỉnh Hội Long An.

Năm 1988, khi 100 tuổi Ngài vẫn còn đi dự khóa An Cư kiết hạ tại chùa Linh Sơn (quận 1 - Sài gòn). Năm 1989, Ngài dự khóa An Cư tại chùa Giác Sanh (quận 10). Đặc biệt, lúc ở tuổi 94, Ngài đã có lần ra trước Tăng chúng phát lồ sám hối vì nghi oan cho một chú điệu. Hơn ai hết, Ngài trân trọng các thế hệ truyền thừa và luôn khuyến khích lớp trẻ tinh tấn tu học.

Năm Nhâm Thân (1992), Ngài tích cực hỗ trợ nhiều mặt trong sự ra đời của Trường Cơ Bản Phật Học Long An. Ngài luôn nhắc nhở Ban Trị Sự Tỉnh Hội phải quan tâm thường xuyên đến cơ sở đào tạo quan trọng này, có như vậy Trường Cơ Bản Phật Học mới hoàn thành được công tác, trọng trách Phật sự của mình.

Tuổi thọ của Ngài hình như là một sự đền bù xứng đáng cho tinh thần quyết chí cầu giải thoát. Tuy xuất gia muộn, bản thân đã có gia đình riêng nhưng với ý thức tự giác cao độ, Ngài đã minh chứng cho hậu thế thấy được những gì mà sự cố gắng bản thân khi đã nhất quán thực hiện bằng tất cả lòng vô ngã vị tha, tất sẽ đạt được một kết quả nào đó.

Ngài vẫn minh mẫn, không thọ bệnh cho đến phút xả bỏ huyễn thân. Ngài đã an nhiên thị tịch vào lúc 11 giờ 30' ngày 01 tháng 10 năm 1992, nhằm ngày 06 tháng 09 năm Nhâm Thân. Hưởng thọ 105 tuổi, 55 hạ lạp. Tại Tổ đình Hội Long, xã Nhơn Thạnh Trung, thị xã Tân An, tỉnh Long An.

Di cốt được trà tỳ và tôn trí nơi tháp Bảo Đồng Hội Long.

Công trình có ý nghĩa thiết thực lâu dài mang tính hoằng hóa tích cực nhất của Ngài là chủ biên cho các Pháp sư dịch giải kinh điển như Tỳ Ni Hương Nhũ, Luật Trường Hàng v.v... Bên cạnh đó là việc tổ chức khắc in bản gỗ các kinh Pháp Hoa, Địa Tạng, Nhật Tụng và các tranh tượng Phật, Bồ Tát.



 [ Trở Về ]