Người Cư Sĩ          [ Trở Về ]

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP I
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Th nh Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn h nh 
HÒA THƯỢNG
THÍCH TÂM NGUYỆN
(1917 - 1990)

Hòa thượng pháp danh Tâm Nguyện, thế danh là Phạm Văn Quý, sinh ngày 23 tháng chạp năm Bính Thìn (16-1-1917) tại xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ngài là con thứ ba trong một gia đình Nho giáo. Thân phụ là cụ đồ Phạm Đình Giá, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Ấm.

Gia đình tuy theo Nho học nhưng lại có đạo tâm hướng về Phật giáo. Lúc nhỏ Ngài được cha mẹ cho đi chùa lễ Phật, nghe giảng kinh pháp, Ngài sớm nhận ra thân người là giả tạm, năm uẩn đều không. Do đó, Ngài có ý xuất gia đầu Phật.

Năm 17 tuổi (1934), được song thân chấp thuận, Ngài đến chùa Bảo Khám thôn Tế Xuyên, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, đảnh lễ cầu Tổ đệ tứ là Hòa thượng Thích Doãn Hài, xin được xuất gia học đạo. Ngài được Tổ thu nạp làm đệ tử và cho thế phát quy y.

Năm 18 tuổi (1935), Ngài được Bổn sư trao truyền thập giới tại chùa Bảo Khám (Tế Xuyên) và được ban pháp danh Tâm Nguyện. Bấy giờ phong trào chấn hưng Phật giáo nở rộ trên miền Bắc. Hội Bắc Kỳ Phật Giáo được thành lập. Báo Đuốc Tuệ, cơ quan truyền bá đạo Phật của hội được xuất bản. Hai Phật học đường được hội mở tại chùa Quán Sứ ở Hà Nội và chùa Bồ Đề ở Gia Lâm. Ngài được Bổn sư cho lên Hà Nội theo học tại các Phật học đường này. Ngài luôn tỏ ra là một học Tăng đạo hạnh, tinh tấn tu hành.

Năm 22 tuổi (1939), sau ba năm tu học tinh cần, Ngài được đăng đàn thọ Tỳ Kheo giới tại Đại giới đàn ở chùa Quán Sứ, trụ sở của Hội Bắc Kỳ Phật Giáo do Tổ Trung Hậu là Hòa thượng Chân Như làm Đàn đầu Hòa thượng. Hòa thượng Trung Hậu bấy giờ là Giám đốc Phật học đường Bằng Sở ở Hà Nội, còn Hòa thượng Trung Thứ là Đốc giáo và Hòa thượng Tuệ Tạng là Phó đốc giáo kiêm giáo sư luật học. Đến năm 1940 Hòa thượng Trung Thứ viên tịch, qua năm sau, 1941, đến lượt Hòa thượng Trung Hậu. Do đó, Hòa thượng Tuệ Tạng phải đảm trách luôn cả chức Giám đốc lẫn Đốc giáo để điều hành Phật học đường Bằng Sở. Từ đó, Ngài theo Hòa thượng Tuệ Tạng để tu học và đã trở nên một trong những học trò xuất sắc của Tổ.

Năm 1943, Ngài được Tổ Thiện Bản trú trì chùa Cao Đà chỉ định làm đương gia. Từ năm 1946 đến năm 1950, tuy Ngài theo học tại Phật học đường Quán Sứ, nhưng vẫn phụng mệnh Tổ Cao Đà làm trú trì trực tiếp chùa Thượng Nông và Lý Nhân.

Năm 1954, sau hiệp định Genève, Hòa thượng Tuệ Tạng rời chùa Quán Sứ cùng đệ tử lui về chùa Vọng Cung ở xã Quần Phương tỉnh Nam Định. Trong số đệ tử theo Tổ về đây có Ngài. Ngày 10-5-1959, Hòa thượng Tuệ Tạng viên tịch tại đây. Trước khi trở về cõi Phật, Hòa thượng Tuệ Tạng đã ủy thác cho Ngài cùng với Hòa thượng Thích Tâm Thông cùng trú trì chùa Vọng Cung. Từ đó Ngài cùng các Tăng hữu tiếp tục sự nghiệp hoằng hóa lợi sanh, mà chư Tổ đã dày công xây đắp. Ngài mở trường dạy Tăng Ni hậu tiến tu học và truyền giảng Phật pháp cho thập phương tín hữu.

Trong thời gian làm trú trì chùa Vọng Cung, Ngài vẫn dành thì giờ cùng với Tăng Ni sơn môn Tế Xuyên trông nom Tổ đình, đồng thời giữ chức thủ tọa chùa Bồ Đề ở Gia Lâm.

Năm 1983, Ngài cùng Tăng Ni tín đồ xây dựng lại chùa Vọng Cung được khang trang, tạo nơi đây thành một chốn già lam ở thành Nam.

Ngoài việc phụng sự đạo pháp, Ngài còn đóng góp công sức vào các công tác từ thiện xã hội. Từ năm 1981 đến năm 1984, Ngài là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Đại biểu Hội đồng Nhân Dân phường Trần Hưng Đạo. Năm 1984, Ngài là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Nam Định khóa 9.

Ngày 13-8-1990 vào lúc 17 giờ, Ngài đã an nhiên thị tịch, hưởng thọ 74 tuổi đời, 51 hạ lạp. Suốt cuộc đời từ lúc thiếu thời cho đến giờ phút cuối, Ngài luôn luôn tâm nguyện: “Hoằng pháp vi gia vụ, độ sinh vi sự nghiệp” mà chư Tổ đã căn dặn. Ngài thường lãnh nhiệm vụ giảng sư trong các khóa hạ và chủ hạ nhiều năm tại trường hạ chùa Cả ở Nam Định. Ngài còn được mời làm Đàn đầu Hòa thượng, Yết Ma, Giáo Thọ tại nhiều giới đàn tại địa phương. Tầng lớp Tăng Ni trung, hạ, tọa tại tỉnh Nam Hà hiện nay, hầu hết là học đồ, giới tử do chính Ngài dạy bảo. Cuộc đời của Ngài là tấm gương sáng cho hàng Phật tử xuất gia cũng như tại gia noi theo trên bước đường tu học vậy.



 [ Trở Về ]