Người Cư Sĩ          [ Trở Về        [Home Page]

Kinh Con rùa
Thích Thiện Châu
I - Giới Thiệu

Bản Kinh nầy trích từ Tương Ưng bộ (Samyutta Nikâya) tập IV, trang 183-185 do T.T. Thích Minh Châu dịch, Tu thư Phật học Vạn Hạnh xuất bản 1982.

Nội dung gồm những ý chính sau đây :

Phật lấy ví dụ con rùa khôn ngoan, khi gặp chó sói thì rút chân và đàu cổ vào trong mai để khỏi bị chó sói giết hại để khuyên dạy chúng ta hãy hộ trì các giác quan khi các giác quan tiếp xúc với các đối tượng để khỏi bị "ác ma" gây nên tai họa

Phật chỉ dạy phương pháp "hộ trì các căn" : Khi các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với đối tượng sắc tiếng, mùi, vị, cảm xúc, pháp. Không nên nắm giữ tướng chung (toàn diện cành hoa hồng với tất cả hình sắc, mùi thơm v.v...), tướng riêng (một phần của hoa hồng như một tai hoa hay mùi thơm) và chế ngự những nguyên nhân nào có thể gây nên say đắm, lo buồn và những ý nghĩ, những lời nói, những hành động có hại cho mình cho người

Ý thứ ba nằm trong bài kệ ở cuối bản kinh vừa tóm tắt hai ý trên, vừa nhấn mạnh những điểm quan trọng trong khi thực hành "hộ trì các căn" : thâu nhóm, nhiếp phục tâm tư để tâm tư không tán loạn. Vì tán loạn là nguồn gốc của phiền não và nghiệp ác, không nương tựa vào "tà kiến" (sản phẩm của những lý thuyết sai lầm, lệch lạc đói với sự thật) để nhận xét, phán đoán sự vật, không làm hại người, không nói xấu người. Và như vậy là chứng đạt được sự an tịnh hoàn toàn.

Bản kinh trên cho chúng ta thấy rõ tính chất thực tiễn của đạo Phật. Phật không nói nhiều về tâm trên bình diện bản thể như nhiều đệ tử về sau màchỉ thẳng phương pháp "hộ trì các căn" để tâm ý đạt được sự an tịnh. Mà an tịnh vốn là bản tánh của tâm.

"Hộ trì các căn" còn có nghĩa là đừng để tâm ý bị vương vấn, trói buộc bởi các dây nhợ phiền não và tà kiến. Ðây cũng là đạo lý "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" (khi tâm phát khởi không nên để bị kẹt vào một nơi nào) mà trong kinh Kim Cương và các Thiền Kinh thường nói đến. Và phương pháp thực hiện "vô niệm", "vô trụ" cũng được Phật chỉ dạy một cách giản dị mà sâu sắc như sau :

"Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức trí sẽ chỉ là cái thức trí. Như vậy, nay Bâhiya, nhà ngươi cần phải họ tập. Vì rằng, nầy Bâhiya, nếu với ngươi, trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức trí sẽ chỉ là cái thức trí.; do vậy, nầy Bâhiya, người không là đời nay, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau."
 

II - Chánh Kinh

"Thuở xưa, nầy các Tỳ kheo, có một con rùa vào buổi chiều đang đi kiếm mồi dọc theo bờ sông. Một con giã can, nầy các Tỳ kheo, vào buổi chiều cũng đi tìm mồi dọc theo bờ sông".

"Nầy các Tỳ kheo, con rùa từ đằng xa thấy con giã can đang đi tìm mồi, thấy vậy liền rụt bốn chân và thứ năm là cổ vào trong mai rùa của mình và nằm bất động , im lặng".

"Nầy các Tỳ kheo, con giã can từ đằng xa thấy con rùa, đi đến con rùa, sau khi đến, đứng một bên nghĩ rằng: khi nào con rùa nầy thò ra thân phần nào và cổ là thứ năm, ngay tại chỗ ấy, ta sẽ nắm lấy, bẻ gãy và ăn".

"Nhưng nầy các Tỳ kheo, vì rằng con rùa không thò ra thân phần nào và cổ là thứ năm, nên con giã can nhàm chán con rùa và bỏ đi, không nắm được cơ hội".

"Cũng vậy, nầy các Tỳ kheo, Ác ma (1) thường xuyên không gián đoạn, đứng trong tư thế rình mò các ngươi với ý nghĩ : Rất có thể ta nắm được cơ hội để bắt gặp từ con mắt ... từ cái lưỡi ... hay từ ý".

"Do vậy, nầy các Tỳ kheo, hãy sống hộ trì các căn (2)" .

"Khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung (3), không nắm giữ tướng riêng (4). Những nguyên nhân gì vì nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên (5), hãy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thiệt hành hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng ... mũi ngửi mùi ... lưỡi nếm vị ... thân cảm xúc ... Ý nhận thức các pháp, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, hãy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thiệt hành hộ trì ý căn (6). Nầy các Tỳ kheo, khi nào các ngươi sống hộ trì các căn, thời Ác ma nhàm chán các ngươi và sẽ bỏ đi, không nắm giữ được cơ hội như con giã can đối với con rùa".

"Như rùa dấu thân phần,
Cũng vậy, vị tỳ kheo,
Không nương tựa một ai (7)
Hoàn toàn đạt tịch tịnh,
Trong mai rùa của nó,
Thâu nhóm mọi tâm tư,
Không hại một người nào
Không nói xấu một ai"
III - Chú Thích Sơ Lược

(1) - Ác ma: Ở đây chỉ cho phiền não trong người luôn luôn rình mò và tìm cách gây ra tai họa cho chúng ta.
(2) - Các căn: 6 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý là những cơ quan cảm giác.
(3) - Tướng chung: Toàn thể của một sự vật, ví dụ một cành hoa hồng toàn diện với hình sắc, mùi thơm vv...
(4) - Tướng riêng: Một phần nào đó của một sự vật, ví dụ một tai hoa hồng hay mùi thơm của hoa hồng...
(5) - Nếu nhãn căn không được chế ngự, không được kiểm soát thì các nguyên nhân hoặc bên trong hoặc bên ngoài có thể làm phát sanh ra tham đắm hình sắc, âm thanh... v.v...; nếu say đắm không được thỏa mãn thì giận dữ ghét bỏ; tham giận lúc nào cũng là nhân duyên của lo buồn và các hành động xấu hại cho mình cho người.
(6) - Sự sống và cảnh sống của loài người tuy phức tạp song có thể thâu tóm trong 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và 6 trần: sắc, tiếng, mùi, vị cảm xúc, và pháp. Hộ trì 6 căn khi chúng tiếp xúc với 6 trần tức là hộ trì sự sống tốt đẹp của mình và của người. Thật ra căn và trần chẳng hề có gì ghê gớm để phải bị chế ngự. Chế ngự ở đây có nghĩa là chế ngự phiền não; không để cho phiền não sanh khởi trong lúc 6 căn tiếp xúc với sáu trần. Một khi phiền não tiêu diệt, thì chúng ta vẫn sống với sáu căn và 6 trần song lúc nào cũng được tự tại an vui.
(7) - Không nương tựa một ai: Ở đây có nghĩa không nương vào tham sân, và tà kiến sẵn có nơi mình để thấy nghe sự vật, mà thấy nghe sự vật một cách như thật tức là giác ngộ giải thoát.

( Chân thành cám ơn Ðh Ðoàn Viết Hiệp đã có thiện tâm giúp đánh máy vi tính )


[ Trở Về ]