Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 96

Kinh Esukàrì

( Esukàrìsuttam )
- Discourse With Esukàrì -

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

( Các từ ngữ quen thuộc )

II. NỘI DUNG KINH ESUKÀRÌ

1. Esukàrì bạch Thế Tôn về bốn chủ trương bốn phụng sự, qua đó giai cấp Bà là-môn cao cả, thứ đến là Sát-đế-lợi, Phệ-xá và Thủ-đà-la là giai cấp nô bộc thấp kém nhất. Thế Tôn dạy đó chỉ là chủ trương của giai cấp Bà-la-môn, của một số người thôi, không có sự đồng ý của các giai cấp khác, của nhiều người khác.

Với Thế Tôn, tất cả đều cần phải phụng sự, và không cần phải phụng sự, mà vấn đề chủ yếu là giúp con người sống trở nên tốt đẹp hơn, không phân biệt giai cấp nào : con người trở nên tốt hơn hay xấu hơn không phải do sanh từ giai cấp nào, do có tài sản nhiều hay ít ( hoặc nghèo ), mà là do hành vi đạo đức ( giữ gìn 10 thiện nghiệp hay không ).

2. Esukàrì lại bạch hỏi Thế Tôn về chủ trương bốn loại tài sản của các Bà-la môn :

- Tài sản của các Brahmanà là khất thực;

- Tài sản của các Khattiya là cung, tên;

- Tài sản của các Vessa là canh nông và nuôi bò;

- Tài sản của các Sudda là lưỡi liềm và đòn gánh.

Tương tự như trên, Thế Tôn chỉ rõ đó là chủ trương không phải được tất cả mọi người ở các giai cấp đồng ý.

Thế Tôn chủ trương tài sản cho con người là Thánh pháp vô thượng : con người được sanh ra từ giai cấp xã hội nào thì mang danh nghĩa của giai cấp ấy như lửa sanh ra từ củi, rơm v.v... thì gọi là lửa củi, lửa rơm.

Tất cả ngọn lửa có tên khác nhau nhưng đều có cùng tác dụng của lửa và đều nóng cả. Cũng thế, người của bốn giai cấp có thể như nhau về thành tựu tu tập Tứ vô lượng tâm, thập thiện... giải thoát.

Được nghe lời dạy của Thế Tôn, Esukàrì bừng sáng và xin được làm đệ tử cư sĩ của Thế Tôn đến trọn đời.

III. BÀN THÊM

Tương tự các kinh trước thảo luận với các Bà-la-môn, Thế Tôn chủ trương bình đẳng giữa các giai cấp xã hội, bình đẳng giữa con người với con người : mọi người đều bình đẳng trước khổ đau, trước thiên nhiên, trước cái sống, cái chết và bình đẳng về mặt tu tập giải thoát, giải thoát. Giá trị của con người là do hành động, cách sống của con người ấy quyết định.

-ooOoo-


[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 01 -06-2005