Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 81

Kinh Ghatìkàra
( Ghatikàrasuttam )

- Discourse On Ghatìkàra -

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

( Từ ngữ quen thuộc )

II. NỘI DUNG KINH GHATÌKÀRA

1. Một thời tại xứ dân Kosala, Thế Tôn dừng lại tại một địa điểm bên đường, nơi ngày xưa là tu viện mà Thế Tôn Kassapa đã trú. Thế Tôn ngồi nghỉ tại đó và kể cho tôn giả Ànanda về tiền thân của Thế Tôn và thanh niên Jotipàla, bạn thân của người thợ gốm Ghàtìkàra, một cư sĩ hộ trì đáng tin tưởng của Thế Tôn Kassapa, đã xuất gia với Thế Tôn Kassapa.

2. Thế Tôn thuật tiếp mối liên hệ giữa Thế Tôn Kassapa với đệ tử tịnh tín Ghatìkàra : Thế Tôn đã dùng cháo và thức ăn từ bếp nghèo của Ghatìkàra khiến Ghatìkàra hạnh phúc suốt hai tuần; bà mẹ mù lòa của Ghatìkàra được hạnh phúc kéo dài suốt một tuần. Thế Tôn Kassapa đã cho rút tranh cỏ trên mái nhà nghèo của Ghatìkàra để ngố tịnh thất của Ngài : sự kiện này khiến gia đình Ghatìkàra hạnh phúc trong một thời gian dài. Nhà trống mái nhưng mưa nắng không lọt vào trong nhà, thật là kỳ diệu! Thế Tôn Kassapa nhận lời Ghatìkàra an cư mùa mưa tại xứ của Ghatìkàra, do người thợ gốm nầy hộ trì, mà từ chối lời thỉnh cầu đến sau của vua Kiki. Nhà vua đã cho chở đầy đủ lương thực, thực phẩm đến nhà Ghatìkàra để dâng cúng Thế Tôn và chư Tăng suốt mùa an cư.

3. Ghatìkàra đã dược Thế Tôn Kassapa tán thán là đệ tử đệ nhất hộ trì và xác nhận Ghatìkàra sẽ đắc A-na-hàm lúc mệnh chung, đương thời đã đắc đến quả Tư-đà hàm.

III. BÀN THÊM

1. Thanh niên Jotipàla thoạt đầu không ưa thích đến gần các tu sĩ đầu trọc, nhưng sau khi nghe pháp do Thế Tôn Kassapa dạy đã lập tức xuất gia, về sau là Thế Tôn Gotama.

Đây là sự kiện rất tự nhiên đối với tất cả: Trước khi đến với Chánh pháp thì còn là xa lạ, tà kiến. Rồi đến với Chánh pháp, Học pháp, Hành pháp, bất thối đối với Chánh pháp và cuối cùng là giác ngộ đại giác.

2. Nét sinh hoạt của chư Thế Tôn, qua Thế Tôn Kassapa, rất là dung dị, ở đó có mặt của trí tuệ toàn giác: Hình ảnh Thế Tôn xơi bữa trong căn bếp nhà nghèo thật là tuyệt vời! Hình ảnh ngố tịnh thất bằng mấy tấm tranh cỏ của nhà nghèo thật là tuyệt vời! Đây là hình ảnh mà người tu sĩ của thời hiện đại cần chiêm ngưỡng, thiền quán!

3. Sự kiện Thế Tôn và chúng đệ tử của Thế Tôn Kassapa an cư mùa mưa tại một trú xứ do đệ tử cư sĩ nghèo nàn hộ trì là sự kiện cần được Giáo Hội các đời sau suy nghĩ!

Cả một đại gia sản giải thoát tuyệt vời của một hệ thống giáo lý trí tuệ tuyệt vời, thật sự các Giáo hội Phật giáo có mặt những tu sĩ giải thoát không cần bận tâm đến các cơ sở vật chất tiện nghi, lộng lẫy: sự hiện diện của nhiều Tăng, Ni bảo vệ đời sống phạm hạnh cần thiết cho sự hưng thạnh của Giáo hội hơn là sự có mặt của nhiều cơ sở vật chất và tổ chức mang tính hình thức.

4. Sự kiện Thế Tôn, tại xứ dân Kosala, bước xuống lề đường đi đến một địa điểm, dừng lại rồi mỉm cười: nói lên rất rõ địa điểm nầy đúng là chỗ ngồi của Thế Tôn Kassapa, không phải là chỉ tay đến một vùng, sự kiện này xác định rõ nơi đó còn để lại dấu tích mà Thiên nhãn, Phật nhãn của Thế Tôn đã nhận ra, hệt như là dấu chân để lại: hầu như bóng dáng sinh hoạt của Hội chúng của Thế Tôn Kassapa vẫn còn hiện diện, không mất. Cũng thế, các hình ảnh sinh hoạt của Thế Tôn Gotama vẫn còn hiện diện ở Bắc Ấn : Linh Thứu sơn, thành Vương Xá, Ba-la-nại, Lộc Uyển, Lâm Tỳ Ni; Kusinàra v.v... Không biết ngoài Thiên nhãn và Phật nhãn, khoa học hiện đại có thể ghi nhận được không bằng cách đó ? Hầu như thiên nhiên, có ghi lại các hình ảnh đó ? Có lẽ cả âm thanh nữa ? trong ý nghĩa chư Thế Tôn thường thuyết.

Hình ảnh để lại và cả âm thanh nữa, là sự thật nên mới có sự kiện đắc quả "Túc mệnh minh" và "Thiên nhãn minh", có thể đọc được, nghe được, thấy được nhiều kiếp quá khứ cửa tự thân và thấy được con đường sinh tử của chúng sinh. Sự kiện đó nói lên hai điểm về sự thật :

- Thế giới có pháp tính ghi lại hình ảnh và âm thanh của các hiện hữu để người đắc Túc mệnh minh và Thiên nhãn minh có thể đọc lại trong các kiếp sau (nhất là đối với Thiên nhãn minh)

- Tâm thức con người cũng ghi và giữ lại các hình ảnh và âm thanh ấy (đặc biệt đối với Túc mệnh minh)

Sự kiện trên còn tiết lộ rằng các pháp gọi là hữu vi chỉ biến mất ( hay diệt đi ) đối với cái nhìn hữu ngã nào đó; chúng sẽ hầu như bất diệt đối với cái nhìn vô ngã ( trí tuệ vô ngã ) khi mà trí tuệ vô ngã có thể đọc được vô lượng kiếp quá khứ.

Các điều phân tích trên chỉ để hiểu thêm về pháp tánh, thực sự ta không thể đi đến kết luận sau cùng khi mà tâm thức ta chưa sạch hết lậu hoặc. Bây giờ thái độ thiết thực và trí tuệ nhất vẫn là trở về với công phu đoạn diệt Ái để đoạn diệt lậu hoặc của mỗi cá nhân. /.

-ooOoo-


[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 10 -10-2004