Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 80

Kinh Vekhanassa
( Vekhanassasuttam )

- Discourse To Vekhanassa -

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

( Từ ngữ quen thuộc )

II. NỘI DUNG KINH VEKHANASSA

1. Tương tự kinh số 79, phần mở đầu, Vekhanassa chủ trương " Sắc nầy là tối thượng, sắc nầy là tối thượng " và chỉ định nghĩa một cách trống rỗng, chung chung rằng ; " Sắc nào không có một sắc khác cao thượng hơn, hay thù thắng hơn, sắc nầy là tối thượng ", mà klhông xác định, qua thấy biết của tự thân, là sắc cụ thể nào.

Chủ trương như thế là một chủ trương vô hồn, hệt như một người nói đang yêu một cô gái đẹp mà tuyệt nhiên không biết cô gái là ai, ở đâu, tên họ là gì, dung mạo như thế nào,v.v...

Cả khi có đối diện với một sắc quý thì cũng chưa thể nói được là sắc tối thượng, vì chưa có kinh nghiệm các sắc trong đời, trong thế giới nên không có cơ sở để tuyên bố như thế. Thật là một chủ trương rỗng tếch!

2. Khi nói đến dục, dục lạc và dục tối thượng lạc thì ngoại đạo cũng chưa có kinh nghiệm để nắm bắt nội dung ý nghĩa. Chỉ có các A-la-hán đệ tử của Thế Tôn đã đoạn tận lậu hoặc mới hiểu rõ điều nói trên.

Vekhanassa nghe thế lòng bỗng phẫn nộ Thế Tôn, mắng nhiết, miệt thị Thế Tôn, rồi mỉa mai chỉ trích các A-la-hán đệ tử Thế Tôn tuyên bố chứng ngộ thì lời tuyên bố cũng chỉ là rỗng tuếch.

3. Qua lời chỉ trích mỉa mai ấy, Thế Tôn thanh thản dạy: " Người trí không gian trá, không xảo quyệt, chơn trực và nói: " Ta giảng dạy, Ta thuyết pháp, nếu thực hành theo thì không bao lâu sẽ tự mình biết, tự mình thấy... tự mình đã giải thoát khỏi vô minh "

Đến đây thì bất giác Vekhanassa bừng tỉnh xin nương tựa Thế Tôn, trọn đời quy ngưỡng Thế Tôn.

III. BÀN THÊM

1. Con đường nhận thức và con đường sống nếu được vạnh mở bởi một thấy biết hư vọng thì sẽ là hư vọng, dẫn dắt vào hư vọng, vô vọng. Ngoại đạo cũng thế, con đường tìm kiếm chân lý và hạnh phúc của họ được dẫn dắt bởi tà kiến, tà tư duy và tà mạng nên chỉ có thể kéo dài các bước đi đầy bóng tối trong hiện tại và cảnh giới chờ đợi sau khi mệnh chung sẽ là các cảnh giới tối tăm, âm u của " tam đồ khổ ".

2. Vấn đề rất giản dị nhưng rất cơ bản là phải thấy rõ các yếu tố vật lý và tâm lý của con người và các nhân tố gây ra khổ đau trước, thì việc vạch mở con đường đi ra khỏi khổ đau, hay đi vào hạnh phúc mới có lối. Tất cả các chủ trương xây dựng từ vọng tưởng, ngã tưởng đều chỉ là những chủ trương tối tăm mờ mịt !

-ooOoo-


[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 10-10-2004