Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 43

Kinh Dài : Phương Quảng
( Mahàvedallasuttam )
- Greater Discourse Of The Miscellany -

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

- Liệt tuệ : Duppannà : Poor in intuitive wisdom : Không thấy với trí tuệ sự thật về khổ, khổ tập, khổ diệt và con đường dẫn tới khổ diệt.

- Trí tuệ : Pannà : Intuitively wise : Có nghĩa là thắng tri (cái biết trực tiếp các pháp ở trong định), có nghĩa là liễu tri (cái thấy biết các pháp do đã đoạn tận lậu hoặc) có nghĩa là đoạn trừ (getting rid of).

II. NỘI DUNG KINH  DÀI ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG

1. Bản kinh 43 là tập hợp của nhiều vấn đề giáo lý khác nhau được tôn giả Xá-lợi-phất phân biệt, cắt nghĩa với trí tuệ như thật, bao gồm các điểm :

- Trí tuệ và liệt tuệ ( như được ghi rõ ở từ ngữ )

- Sự kết hợp, bất ly, giữa trí tuệ và thức tri : trí tuệ thì cần tu tập để thành tựu; Thức thì cần liễu tri nó.

- Về thọ, tưởng : cũng kết hợp, bất ly.

Qua đó, năm uẩn có chức năng riêng biệt, nhưng tất cả cùng vận hành, cùng có mặt.

- Về Chánh tri kiến : để chánh tri kiến sanh khởi cần có đủ hai duyên :

Tiếng của người khác (hay văn) và Như lý tác ý (hay tư). Để chánh tri kiến có tâm giải thoát và tuệ giải thoát thì cần có năm duyên hỗ trợ : Giới, văn, thảo luận, chỉ và quán.

- Loài hữu tình tái sanh : do còn vô minh và tham ái. Nếu vô minh, tham ái được đoạn diệt thì chấm dứt tái sanh.

- Năm căn hoạt động là do tuổi thọ; tuổi thọ còn là do hơi nóng; hơi nóng còn là do tuổi thọ còn.

- Chết : Khi nào tuổi thọ, hơi nóng và thức từ bỏ.

- Diệt thọ tưởng định : Hơi thở dứt ( thân hành ), tầm tứ dứt ( khẩu hành ) và thọ tưởng dứt ( tâm hành ), nhưng hơi nóng và tuổi thọ còn.

2. Sự phân biệt đặc biệt về : Vô tướng tâm giải thoát, vô sở hữu tâm giải thoát, vô lượng tâm giải thoát và không tâm giải thoát.

2.1. Vô tướng tâm giải thoát : Tác ý vô tướng giới, không tác ý nhất thiết tướng và cần một sự chuẩn bị trước thì an trú vào vô tướng tâm giải thoát.

Chỉ cần tác ý nhất thiết tướng, không tác ý vô tướng giới thì liền xuất khỏi vô tướng tâm giải thoát.

2.2. Vô sở hữu tâm giải thoát : Ở vô sắc định, hành giả vượt qua thức vô biên xứ, nghĩ rằng : "Không có vật gì " thì liền chứng và trú vô sỡ hữu tâm giải thoát.

2.3. Không tâm giải thoát : Khi hành thiền, hành giả suy nghĩ như sau : " Đây trống không, không có tự ngã hay không có ngã sở. ". Như vậy là không tâm giải thoát.

2.4. Vô lượng tâm giải thoát : Từ Tứ sắc định, hành giả biến mãn mười phương với tâm đi cùng với Từ, với Bi, với Hỷ, với Xả. Đây gọi là vô lượng tâm giải thoát.

Bốn tâm trên, theo đó, có danh sai biệt và nghĩa sai biệt. Khi tâm giải thoát đoạn tận tham, sân, si, đắc bất động tâm giải thoát, thì bốn tâm giải thoát trên có nghĩa đồng nhất nhưng danh sai biệt.

III. BÀN THÊM

1. Bản kinh dài Phương Quảng cũng đã để lại nhiều ý nghĩa cần ghi nhớ rõ, rất cần thiết như : Trí tuệ, Liệt tuệ, Chánh Tri Kiến, các tâm giải thoát và Diệt thọ tưởng định.

2. Về Chánh Tri Kiến, cần ghi rõ ý nghĩa thế nào là Chánh tri kiến; điều kiện để sinh khởi Chánh tri kiến; và các duyên hỗ trợ Chánh tri kiến có tâm giải thoát và tuệ giải thoát.

3. Đặc biệt về Diệt thọ tưởng định, định mà không thể có trong kinh nghiệm tâm lý của ngoại đạo, cho thấy ở đó thân hành (hơi thở), khẩu hành (tầm tứ hay hành uẩn) và tâm hành (thọ, tưởng) đều chấm dứt. Chỉ còn hơi nóng và tuổi thọ tồn tại (như là hữu dư y) cho ta nhận thức là năm uẩn diệt. Tại đó chánh trí sinh khởi, Niết bàn hiện diện.

-ooOoo-

( Nguyên Trừng đánh máy theo ấn bản do Hòa Thượng Chơn Thiện trao tặng)

[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 22-06-2003