Người Cư Sĩ          [ Trở Về

NIẾT BÀN Ở ĐÂU, LÀM SAO ĐẾN ?


Tuyết Mai

Có lẽ tất cả Phật tử tu theo Phật ai cũng ước mong sau khi mất được về cõi Cực Lạc, nhập Niết Bàn, không còn luân hồi sanh tử nữa.Vậy Niết Bàn ở đâu? Làm sao đến đó?

Có người hiểu Niết Bàn là cảnh tiên giới, vui đẹp đặc biệt như "Thiên Đàng" trong các tôn giác khác, nơi đó có nhạc vui, hoa thơm, liễu biếc, ngọc ngà châu báu, có mấy ông tiên râu tóc bạc phơ, nhàn rỗi đánh cờ và những nàng tiên xinh đẹp suốt ngày ca múa rong chơi không biết thời gian là gì. Ở đó không có nghèo khổ, vất vả, lo âu phiền muộn như ở thế gian. Và chỉ khi nào chết rồi hương linh mới có thể đến đó được.

Muốn nhập Niết Bàn Phật tử phải tu hành thật tinh tấn, sớm hôm công phu kinh kệ, ngồi thiền, sống khắc khổ, hy sinh, làm nhiều việc phước thiện... Hay nếu lúc sống không tu hành, làm nhiều việc ác thì trước khi chết phải niệm Phật A Di Đà "nhất tâm bất loạn", sẽ được Phật A Di Đà tiêùp dẫn về cõi Phật.

Tin Niết Bàn là như vậy có đúng không?

Nói tới chuyện tu hành, tôi hỏi thăm một người bạn đạo đi chùa nhiều, làm công quả chuyên cần: "Chị tu tới đâu rồi, liệu có lên Niết Bàn được không?"

Chị ấy trả lời: "Coi phim về khất thực, tôi thấy tôi chưa tu tới đâu cả. Người ta cho cái gì ăn cái nấy, có ngày chỉ có một nắm xôi . Trời ơi ! làm sao sống? Tính tôi lại rất tự ái, nên chỉ có khá một chút về mặt làm việc phước thiện thôi". "Làm phước thiện là Tu Phước, giúp người khác bớt khổ, còn muốn giúp mình bớt khổ thì phải Tu Huệ".

Nghe chị trả lời như vậy, tôi phụ họa theo: "Tôi cũng vậy, còn ham đẹp, ham giàu lắm".

Tâm tôi bây giờ như hòn đá giữa thiên nhiên, hy vọng đi chùa nhiều, đọc kinh sách nhiều, với thời gian, nước chảy đá mòn, một ngày nào đó tâm tính sẽ điều phục, khá hơn, chứ bây giờ vẫn còn đầy đủ tham, sân, si, hỷ,û nộ, ái , ố".

Tôi nhớ hôm đi xem ngọc Xá Lợi ở chùa Giác Hoàng, tôi thấy bác sĩ Trần Đoàn trong áo nâu sồng, vai đeo bị, chân đi dép như người tu xuất gia. Nhìn ổng tôi thấy tâm tư nhẹ nhàng, thanh thản. Tôi ao ước được như vậy, cởi bỏ hết những ham mê vật chất. Nhưng nghiệp chướng từ kiếp nào còn nặng mang, nên tôi biết con đường đi tới sự giải thoát, an lạc mà tôi không có "can đảm" rẽ qua lối đó. Ngày này qua ngày khác tôi cứ lặn hụp, thăng trầm với nỗi vui buồn của thế gian.

Tôi như người đang đứng giữa ngã ba đường, không biết nên đi hướng nào, lúc thì muốn theo Phật hướng về một nơi chốn an vui cao thượng, lúc thì vương vấn những ham mê của trần thế. Nên hiện tại tôi chỉ cố gắng phát triển "Từ Bi Tâm" và thực hành "Bồ Tát Hạnh", xã thân làm việc thiện, hy sinh thì giờ, tiền bạc để phụng sự xã hội, giúp người vô vị lợi. Trên đường tu tập tôi mới đi được tới đó.

Tôi nhớ lời anh tôi hay rầy rà bà chị dâu mê làm công quả ở chùa, không lo việc nhà. Anh ấy nói, không thấy Phật Trời ở đâu, không biết chết là hết hay còn kiếp sau, không thấy mà tin là mù quáng! Câu nói này làm tôi suy nghĩ không ít.

Trong nước có vi trùng mắt mình đâu có thấy, trong dây điện có dòng điện mình đâu có nghe. Tai và mắt của con người rất giới hạn, không thể nghe, thấy nhiều thứ, nhưng không nghe, không thấy đâu có nghĩa là không có?

Trong kinh Phật có chuyện con cá hỏi con rùa: "Chị đi đâu mà lâu quá khôâng gặp?". Con rùa trả lời : "Đi lên đất khô chơi, trên đó có hoa đẹp, chim bay, thỏ nhẩy ...vui đẹp lắm". Con cá ngạc nhiên và không tin có đất khô và trên đất khô có hoa thơm, chim bay thỏ nhảy. Nó chưa hề ra khỏi nước nên không thể tưởng tượng được cây cảnh trên đất khô.

Câu chuyện trên cho thấy mình giống như cá, chỉ ở thế gian, còn các vị Đại Bồ Tát là rùa, có thể đi lại hai cảnh giới khác nhau . Mình không thấy cảnh giới Trời Phật, không có nghĩa là không có cảnh giới khác an lành, tươi đẹp hơn thế gian.

Tôi nghiền ngẫm kinh sách, cố tìm hiểu thêm về những cảnh giới khác, Niết Bàn ở đâu? Làm sao đến đó?

Theo kinh sách nhà Phật thì Niết Bàn là dịch âm của chữ "Nirvana" có nghĩa là ra khỏi vòng luân hồi-sinh tử. Niết Bàn cũng có nhiều nghĩa khác nữa, như là "bất sanh, giải thoát và tịch diệt". Niết bàn là vắng lặng, dứt sạch tất cả nguồn gốc mê lầm. Đây là sự bình yên tối thượng, ý thức về sự chấp ngã chấm dứt. Như vậy không phải đợi đến sau khi chết, mình mới có thể lên Niết Bàn. Khi nào tâm được tuyệt đối an lạc, tự tại, hạnh phúc, thanh tịnh, bất nhiễm, giải thoát là mình đã đến Niết Bàn. Niết Bàn là chấm dứt gốc rễ tham, sân, si, chấm dứt vòng sinh tử-luân hồi do vô minh và ái dục dẫn dắt. Niết Bàn là tuệ giác, là sự giác ngộ viên mãn, chấm dứt dòng luân chuyển khổ đau do tri kiến sai lầm gây nên. Cũng theo các giải thích của kinh sách, có hai loại Niết Bàn cơ bản với các ý nghĩa :

Hữu Dư Y Niết Bàn: theo nghĩa đen là Niết Bàn còn tàn dư, Niết Bàn trước khi tịch diệt, là trạng thái của bậc thánh nhân đang còn sống nhưng đã dứt bỏ mọi phiền não, vẫn còn Ngũ Uẩn...

Vô Dư Y Niết Bàn: là Niết Bàn toàn phần, không còn Ngũ Uẩn, Xứ, Giới, Căn... là Niết Bàn chỉ đến cho một vị A La Hán khi ngài tịch.

Các vị Đại Bồ Tát không còn đảo điên sai lầm, không gán cho sự vật một giá trị nhất định như tốt xấu, khổ vui, nên không sinh ra thái độ oán, thân, ưa, ghét. Các vị ấy thực chứng mọi sự vật bình đẳng, hòa đồng cùng tất cả và thực hành hạnh nguyện lợi tha. Các vị ấy quán chiếu các pháp như huyễn, như hóa, không bao giờ chấp trước, do đó Bồ Tát lấy pháp lục độ để độ sanh.

Còn con người bình thường bị vô minh, ái dục dẫn dắt nên con người không làm chủ được mình mà bị cảnh trần lôi kéo, sai khiến. Vì bởi tri thức sai lầm, con người tạo nên khổ đau cho chính mình và cho tha nhân. Khi vô minh và ái dục bị tiêu diệt thì giác ngộ.

Như thế, nói cho dễ hiểu, Niết Bàn là sự tận diệt tham, sân, si. Đây là một đạo quả, một trạng thái tinh thần, là sự thành tựu tối thượng của sự chuyển hóa nhận thức. Vậy muốn đạt đến Niết Bàn thì phải làm sao?

Trước hết : Phải lắng đọng mọi hoạt động của thân, khẩu , ý. Phải dứt bỏ mọi quyến luyến dính mắc vào sắc, thinh, hương, vị, xúc, những cảm thọ, khoái cảm do vô minh đưa lại. Năm căn tiếp xúc với năm trần mà chấp chặt là xa Niết Bàn, ngược lại năm căn, tiếp xúc với năm trần mà không đuổi theo, không chấp chặt là gần Niết Bàn.

Phải thiền định, trong lúc thiền định con người sẽ thấy rõ bản thể của vạn vật, khác nhau hình tướng nhưng đồng nhất ở bản thể. Tất cả đều vô thường, vô ngã. Khi nhận thức được bản thể của vũ trụ như vậy, con người sẽ phát khởi đại trí và đại bi. Từ đó con người có thể chấp nhận muôn sai, nghìn khác, thương được muôn người, muôn loài và muôn vật. Tất cả đều như nhau, chỉ vì tri kiến sai lầm nên sinh tham, sân, si, rồi tranh chấp để thỏa mãn, nâng cao cái ngã của mình, gây lắm khổ đau.

Thiền định giúp ta có tuệ giác, ranh giới giữa ta và người, ta và chúng sinh biến mất, tình thương sẽ bừng nở, dâng tràn, đưa con người vào cõi an lành, hạnh phúc.

Niết Bàn không phải là không gian vật lý, không phải là cảnh trời hay nơi chốn nào đó sau khi mất chúng ta mới có thể tới đó được. Niết Bàn là thanh tịnh, bất nhiễm, giải thoát, là trí tuệ và tình thương tuyệt đối. Với Niết Bàn Phật và chúng sinh đều bình đẳng. Phật là người đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành, đang thành. Nếu khát khao chân lý và nỗ lực tinh tấn, bước lên, đi theo con đường Phật dạy chúng ta sẽ đạt đến Niết Bàn, thành Phật.

Hiểu như vậy thì Phật Pháp không siêu hình khó hiểu và đạt Niết Bàn không phải là ảo tưởng chỉ có thánh thần mới có thể thực hiện được. Trước hết phải chọn cho mình một con đường theo Phật và có "can đảm" rẽ qua ngõ khác đó. Có can đảm rẽ qua ngõ khác đó là cả một vấn đề, đòi hỏi nhiều nghị lực và ý chí buông bỏ hết những thú vui tầm thường của thế gian.

Tuyết Mai


Trở Về